Sau khi báo Nhân Dân đăng những bài “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học”, tôi nhận được nhiều thư các bạn đọc gửi đến. Tôi cảm ơn các đồng chí, và xin trả lời tóm tắt như sau:
- Sao gọi là tiến bộ nhảy vọt?
Từ chỗ tiến bộ từng bước, Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh, tiến bộ như nhảy vọt. Ví dụ:
* Về công nghiệp, so với sáu tháng đầu năm 1957, thì sáu tháng đầu năm 1958 tiến bộ:
Tháng 1 - 14%
Tháng 2 - 18%
Tháng 3 - 29%
Tháng 4 - 42%
Tháng 5 - 46%
Tháng 6 - 55%
Như thế là chẳng những so với năm ngoái thì năm nay tiến bộ rất nhiều, mà trong năm nay tháng sau so với tháng trước cũng tiến bộ rất nhanh. Chỉ trong mấy tháng, các tỉnh, các huyện và các hương đã xây dựng hơn 30 vạn nhà máy và hầm mỏ hạng vừa và nhỏ, các hợp tác xã nông nghiệp cũng xây dựng hơn ba triệu cái. Phần lớn những nhà máy và hầm mỏ ấy đều nhằm phục vụ nông nghiệp.
Mới nghe thì chắc các đồng chí đều ngạc nhiên: có những huyện như huyện Phì Đông (tỉnh An Huy), trong mấy tháng đã lập hơn 7.000 nhà máy và hầm mỏ, nhân dân trong huyện đã góp 16 triệu đồng làm tiền vốn, và nhường ra 18.000 gian nhà để làm xưởng. Nay huyện đã tự túc về sắt để làm nông cụ và 9.000 tấn xi măng để xây cống.
Theo nguyên tắc tiêu tiền ít mà sản xuất nhiều, năm nay, tiền vốn thêm vào công nghiệp nặng là 4%, mà giá trị sản xuất tăng 30%.
Giá thành giảm được 7,6%.
Năng suất lao động bình quân tăng 24%.
* Về nông nghiệp, mùa chiêm năm nay, Trung Quốc thu hoạch hơn 50.500.000 tấn. So với năm ngoái tăng 69%, đã vượt mức sản xuất lúa mì của Mỹ hai triệu tấn.
Những tỉnh xưa nay lạc hậu như Cam Túc (85% là núi), Tân Cương (90% là cát), Thanh Hải, Ninh Hạ... năm nay cũng thu hoạch hơn năm ngoái 62%. Đảng và nhân dân các tỉnh ấy đã đặt kế hoạch đến năm 1962 thì:
- Lương thực sẽ tăng gấp sáu lần,
- Các thứ đỗ có dầu gấp bảy lần,
- Bông gấp 11 lần, và bình quân mỗi năm mỗi người sẽ có 1.500 kilô lương thực.
Vụ chiêm năm nay, mỗi mẫu tây thu hoạch độ tám tấn trở lên.
Vì sao bà con nông dân Trung Quốc đạt được những thắng lợi to lớn ấy?
Rất dễ hiểu.
Một là họ ra sức làm thủy nông. Họ làm ngày, làm đêm. Trong ba, bốn tháng, kết quả bằng tám năm trước cộng lại.
Hai là họ ra sức bón phân. Bình quân mỗi mẫu tây họ bón 180 đến 300 tấn, có nơi còn nhiều hơn nữa. Phần nhiều là phân bùn, phân xanh (ở Việt Nam ta hiện nay mỗi mẫu bón nhiều nhất là chín tấn, kém Trung Quốc rất nhiều).
Ba là họ ra sức cải tiến kỹ thuật. Đến tháng 6 năm nay, họ đã cải tiến hơn chín vạn loại nông cụ và những loại ấy đã được phổ biến hơn 60 triệu cái (ở nông thôn ta, việc dùng loại cày 51 vẫn đang còn ì ạch, chưa được phổ biến rộng!).
- Vì sao mà tiến bộ nhảy vọt được?
Trả lời tóm tắt thì có thể nói: Vì kết quả của cuộc chỉnh phong. Nói kỹ hơn một chút, thì:
- Vì kinh tế đã được cải tạo. Ở nông thôn thì toàn thể nông dân đã tham gia hợp tác xã nông nghiệp, làm ăn theo lề lối mới. Đó là một lực lượng rất to lớn của hơn 500 triệu nông dân có tổ chức, có giác ngộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khó khăn gì họ cũng vượt được, việc to lớn mấy họ cũng làm được. Như chỉ trong ba, bốn tháng, lại là mùa đông rét mướt, mà họ đã xung phong làm thủy nông nhiều bằng số thủy nông tám năm trước cộng lại. Lại như cũng một đám ruộng ấy, trước đây mỗi mẫu tây chỉ thu hoạch được non hai tấn thóc, mà nay thu hoạch hơn 277 tấn.
- Giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, giác ngộ càng cao, kỹ thuật càng tiến, kỷ luật lao động càng nghiêm, năng suất lao động càng tăng. Nhiều công nhân trong mấy tháng đã làm xong sản lượng của kế hoạch 5 năm thứ hai. Liên minh công nông ngày càng củng cố, ví dụ: Một nhóm nông dân đến thăm nhà máy dệt Thượng Hải, đã nói với anh em công nhân: “Các đồng chí cứ ra sức thi đua sản xuất cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Nhà máy cần bao nhiêu bông, chúng tôi cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ”.
Công thương nghiệp tư bản đã được cải tạo theo chủ nghĩa xã hội. Ai cũng hăng hái tham gia xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không còn cách kinh doanh ích kỷ và lạc hậu, không còn lớp người bóc lột và ăn bám nữa.
Vậy là sức sản xuất đã được giải phóng hoàn toàn.
- Những tư tưởng bảo thủ, nó ràng buộc trí tuệ của con người, đã bị đánh bại. Tư tưởng mới, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã được mở mang. Cho đến nay, vì mê tín mà người ta tưởng rằng khoa học và kỹ thuật là rất cao xa, huyền bí. Nay hàng trăm triệu người công nông đang mạnh dạn tiến công vào mặt trận khoa học và kỹ thuật. Một ví dụ:
Trước kia, hễ nói đến lập nhà máy điện, thì ai cũng nghĩ rằng phải có thiết kế kỹ, tiền vốn sẵn, chuyên gia thông thạo, ngày giờ đầy đủ, v.v.. Nay chỉ có một bác thợ rèn, một anh thợ mộc với các xã viên của một hợp tác xã, và cũng chỉ trong năm ngày, năm đêm, họ đã xây xong một nhà máy điện. Hiện nay, ở nhà máy điện ấy, một người nông dân (chủ nhiệm hợp tác xã) làm giám đốc, và một cô bé học sinh (tốt nghiệp cao đẳng tiểu học) làm kỹ sư.
Vậy là tư tưởng được giải phóng hoàn toàn.
- Một điều nữa giúp cho nhân dân Trung Quốc tiến bộ nhảy vọt là chí khí anh hùng của họ. Mọi người đều tự hào mình là người chủ của nước nhà, đều hiểu rằng nhiệm vụ thiêng liêng của người chủ là phải ra sức thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ nhận thức sâu sắc rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội để được sung sướng muôn đời, thì bước đầu phải chịu cực, chịu khổ, phải vượt mọi khó khăn, như nhân dân Liên Xô đã từng thắt lưng, buộc bụng, phấn đấu hy sinh suốt mười tám năm để xây dựng đất nước, mới có hạnh phúc như ngày nay.
Vậy là mỗi người công dân là một chiến sĩ anh dũng trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc xây dựng xã hội mới.
- Điều chủ chốt làm cho nhân dân Trung Quốc tiến bộ nhảy vọt là sự lãnh đạo sáng suốt và chặt chẽ của Đảng từ trung ương đến các chi bộ ở các ngành, các nơi. Các đồng chí Trung Quốc gọi “chính trị là linh hồn, là thống soái”. Thật vậy, trong mọi công việc, mọi chính sách, chi bộ (Đảng và Đoàn) đều làm gương mẫu, làm đầu tàu, lôi cuốn toàn dân thực hiện chính sách của Đảng và của Chính phủ.
- Nông dân Trung Quốc đối với hợp tác xã nông nghiệp như thế nào?
Họ hiểu rằng hạnh phúc của họ và của con cháu họ gắn liền với hợp tác xã. Vì vậy, họ yêu quý hợp tác xã như gia đình họ, có thể nói hơn gia đình họ. Ví dụ:
Làng Đông Thôn bị cháy. Tất cả xã viên hy sinh nhà mình mà ào đến cứu chữa hợp tác xã trước đã.
Ông cụ Lưu ngoài 80 tuổi, trước là bần nông. Khi ốm nặng, cụ gọi các con đến hỏi: “Sau khi ta chết, các con sẽ chôn cất thế nào?”.
Anh Ba thưa: “Tính cha thích nghe âm nhạc, chúng con sẽ mời mấy ban nhạc giỏi nhất trong huyện đến đưa đám”. Ông cụ lắc đầu.
Anh Hai thưa: “Chúng con sẽ mua một bộ quan tài rất tốt”. Ông cụ lắc đầu.
Anh Cả thưa: “Suốt đời cha khó nhọc cực khổ. Nay nhờ Đảng, nhờ tập thể mà nhà ta làm ăn đã khá. Vậy các con sẽ tổ chức đưa đám đàng hoàng...”.
Ông cụ ngắt lời, và bảo: “Mày là một cán bộ mà cũng nói như thế à?”... Cụ Lưu nói tiếp: “Sau khi ta chết, các con chỉ thay cho ta bộ áo quần mới đã may sẵn, mua cho ta một bộ quan tài xoàng, và đưa chôn ta trên núi để khỏi choán đất của hợp tác xã. Còn số tiền các con dành dụm để làm đám cho ta thì đưa góp thêm cho xã làm tiền vốn để phát triển sản xuất...”.
- Đối với mồ mả, người Trung Quốc trước đây cũng hay tin địa lý. Vì vậy, mồ mả choán đất nhiều, làm cho cày bừa khó. Như ở Liêu Ninh, có hơn tám triệu ngôi mả, chiếm hơn 24 vạn mẫu đất. Mỗi mùa ít nhất cũng thiệt mất 24 vạn tấn thóc. Vì vậy, các cụ nông dân già đã đề nghị dời mả vào một nơi. Các cụ nói:
“Ra sức tăng gia sản xuất để nuôi nấng cha mẹ già, thế mới thật là Hiếu.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội để tạo phúc cho con cháu, thế mới thật là Từ”.
Theo đề nghị của các cụ, nông dân xây những vườn trên núi để làm nghĩa địa công cộng; dời tất cả mồ mả vào đó. Trong vườn, họ trồng hoa và cây ăn quả, xem rất xinh tươi. Các cụ già, các thanh niên và các “thầy địa” hăng hái nhất trong việc này. Ông cụ Hòa Xuân, 81 tuổi, ngắm nghía “công viên” mới và nói: “Mồ mả chỉnh tề, hoa thơm cây tốt, đối với tổ tiên, như thế còn gì hơn nữa!”. Cụ bà Cầm Cao nói: “Khi sống có đoàn thể, chết có nghĩa địa chung, thế là sống vui vẻ, chết cũng vui vẻ”.
Phong trào dời mả lan gần khắp nơi. Anh em nông dân đã có bài thơ như sau:
Tổ tiên ta ngày trước,
Chịu khổ nghìn muôn đời,
Chỉ mong được giải phóng,
Khi chết vẫn ngậm ngùi
Nay con cháu sung sướng,
Chín suối cũng ngậm cười.
Không muốn hài cốt mình,
Trở ngại công việc người
Mả vào vườn công cộng,
Hương hồn càng thư thới.
Cùng nhau xem con cháu
Xây dựng xã hội mới...
Những chuyện ấy đủ tỏ rõ tinh thần tập thể của anh em nông dân Trung Quốc rất cao.
- Về văn hóa: Nông dân tự mình lập ra nhiều trường trung học và đại học. Công nhân các xí nghiệp cũng vậy (như 100 nhà máy ở thành phố Thẩm Dương đã lập 169 trường trung học chuyên nghiệp). Các trường đại học thì tự mình xây dựng nhà máy (như Trường đại học Bắc Kinh chỉ trong vài tháng đã xây dựng hơn 200 nhà máy).
- Thế là người công nông và người trí thức hợp làm một, lý luận và sản xuất cùng đi đôi. Nước nhà sẽ có hàng triệu cán bộ đã “hồng” lại “chuyên”.
Hiện nay có hơn 90 triệu người tham gia bình dân học vụ và 445 huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ.
Nhi đồng: Các em cũng tiến bộ nhảy vọt (...). Toàn thể nhi đồng vừa siêng học, vừa hăng hái tham gia lao động.
- Phụ nữ: Lênin có nói: “Phụ nữ được thật sự giải phóng, thì giai cấp công nông mới thật sự giải phóng”. Ngày nay chị em phụ nữ Trung Quốc đang cùng với nam giới tiến bộ nhảy vọt. Ví dụ:
Nữ đồng chí Trương Thu Hương, nguyên là bần nông, nay là Anh hùng lao động nông nghiệp. Trong ba vụ liền, đồng chí ấy đã sản xuất mỗi mẫu tây 7 tấn rưỡi bông. Đồng chí Trương đã có hơn 100 thứ phát minh và kinh nghiệm về nghề trồng bông.
Nữ đồng chí Vương Thúc Trân, ở Nhà máy dệt Thiên Tân, một mình coi 11.600 cái thoi, mà chất lượng vải 100% tốt.
Đồng chí Uất Phụng Anh, ở xưởng chế tạo máy móc Liêu Ninh, tăng năng suất gấp 15 lần, trong 4 tháng làm xong kế hoạch 5 năm lần thứ hai.
Ở xã Xuân Hòa, đàn ông đi làm thủy nông hết. Ở nhà có 515 phụ nữ có sức lao động, mà việc mùa màng cần đến 7.600 ngày công. Để giải quyết vấn đề nhân công, chi bộ đề nghị làm xe cút kít, mỗi xe có thể chở 170 kilô, tức là gấp 4 người gánh. Chỉ trong 6 hôm, các chị em đã đóng được 471 chiếc xe, thế là vấn đề sức lao động được giải quyết tốt.
Để nâng cao sức lao động hơn nữa, 32 vạn phụ nữ ngoại ô Bắc Kinh đang thực hiện “bốn hóa”:
Tổ chức lớp dạy trẻ, vườn trẻ và nhà gửi trẻ cho 13 vạn cháu bé - thế là việc nuôi và dạy trẻ “tập thể hoá”.
Tổ chức 1.849 nhà ăn công cộng. Phụ nữ khỏi phải nấu thổi riêng - thế là việc ăn uống “công cộng hoá”.
Xây dựng 700 tổ may máy - thế là việc may mặc “cơ giới hoá”.
Tổ chức 246 tổ xay bột mì bằng máy - thế là công việc xay giã “cơ giới hoá”.
Nhờ vậy mà chị em khỏi bận bịu, sức lao động tăng gấp đôi. Họ lại tổ chức thành những đại đội và tiểu đội công tác.
Chị em đã phấn khởi ca tụng kết quả ấy như sau:
Nay thật giải phóng hoàn toàn,
Nấu cơm, may áo, tập đoàn làm chung.
Cày ruộng và làm thủy nông,
Thách thi đua với nam giới, xem ai anh hùng hơn ai?.
*
* *
Nói tóm lại: Hiện nay ở Trung Quốc tất cả các ngành, các nghề, tất cả các tầng lớp nhân dân đều thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mọi việc đều làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Chính như lời Các Mác đã dự đoán: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, một ngày có thể hoàn thành tốt công việc của 20 năm. Cho nên gọi là tiến bộ nhảy vọt.
Việt Nam ta là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em, để tiến kịp các nước anh em. (Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc).
Điều thứ nhất trong kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta cần phải học và áp dụng là: Đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ phải được thật thông suốt từ trên đến dưới, toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện cho kỳ được. Trong mọi công việc, bất kỳ to nhỏ, chi bộ Đảng, chi đoàn, công đoàn, nông hội phải gương mẫu, phải đi trước, làm trước, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân để lôi cuốn mọi người cùng tiến lên. Mỗi người công dân phải hiểu rằng mình là người chủ của nước nhà, phải làm tròn nhiệm vụ của người chủ, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội để nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, để cho con cháu muôn đời được ấm no, sung sướng, để làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thống nhất nước nhà.
Muốn như thế, trước hết tư tưởng mọi người phải thông, phải thật thông.
TRẦN LỰC
---------------------
- Báo Nhân Dân, số 1623-1624, ngày 22–23-8-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.478-486.