Đia xơ[1]

Cái tấn tuồng hòa bình giả dối của tổng Zoon đã thất bại ê chề.

Cái trò hề hội nghị Ôhôlubù cũng bị hoàn toàn phá sản.

Kế hoạch tiến công ồ ạt mùa khô của quân đội xâm lược Mỹ ở Nam Việt Nam đã bị đập tan.

Lực lượng giải phóng miền Nam ngày càng thắng lớn.

Các thành thị miền Nam nguyên là nơi căn cứ của Mỹ và ngụy, nay nhân dân ở đó - gồm cả nhân viên và binh sĩ ngụy quyền - cũng nổi lên chống bọn Thiệu-Kỳ và chống Mỹ.

Nhân dân thế giới và nhân dân Hoa Kỳ ngày càng nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ và càng nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam...

Những sự kiện đó làm cho ông lo âu. Vì vậy, hôm 18-4-1966, ông đề nghị:

“Tổ chức một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung Hoa Nhân dân và những phần tử quan trọng ở miền Nam Việt Nam để bàn một giải pháp hòa bình”.

Trước khi trả lời ông, tôi đề nghị chúng ta hãy đặt vấn đề như thế này:

- Một lũ cướp hung dữ từ phương xa ồ ạt đánh vào một làng lương thiện. Như vậy, dân làng hay là lũ cướp, ai là kẻ xâm lược?

- Lũ cướp đã đốt phá, giết người, vơ vét của cải. Dân làng đã dũng cảm chống lại chúng. Lũ cướp bèn thay đổi chiến thuật, tay thì cầm súng sẵn sàng bắn, miệng thì bảo dân làng rằng: “Các người hãy ngồi xuống với chúng ta để đàm phán hoà bình không điều kiện”. Như vậy, dân làng nên chăng tin lời của lũ cướp?

Xin ông trả lời dứt khoát hai câu hỏi đó. Ông đề nghị bàn chuyện hòa bình. OK[2], nhưng:

- Tổng Zoon vẫn không chịu thừa nhận đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược mà cứ khư khư vu khống miền Bắc Việt Nam xâm lược miền Nam Việt Nam. Như vậy khác nào nói Mỹ bên này sông Mítxítxipi xâm lược Mỹ bên kia sông Mítxítxipi.

- Mỹ vẫn tiếp tục đưa thêm quân đội Hoa Kỳ và quân đội các nước chư hầu vào Nam Việt. Chúng đang đẩy mạnh chiến tranh một cách cực kỳ man rợ với những B.52, napan, hơi độc và bằng chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”.

- Mỹ đang leo thang chiến tranh phá hoại bằng máy bay đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mắc Namara thú nhận mỗi tháng ném hơn năm vạn tấn bom xuống miền Nam và miền Bắc, tức là ném gấp ba số bom so với ngày chiến tranh xâm lược Triều Tiên!

- Phó Tổng thống Hămphơrây thì ba hoa rằng Mỹ sẽ không bao giờ rút khỏi miền Nam Việt Nam,...

Trước những sự kiện như vậy, nếu ông là người Việt Nam (người Việt Nam chân chính, chứ không phải cái thứ Việt gian bán nước như lũ Thiệu-Kỳ) thì ông sẽ xử trí thế nào?

Nhân dân Việt Nam chúng tôi muốn có hoà bình để xây dựng đất nước của mình. Nhưng chúng tôi không sợ chiến tranh, không sợ hy sinh, gian khổ. Chúng tôi quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng để giành lấy hòa bình thật sự, độc lập tự do thật sự.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa đưa đến cho nhân dân Mỹ những gì?

Hàng vạn thanh niên Mỹ sẽ chết uổng mạng ở chiến trường xa xôi, để lại hàng vạn con côi, vợ góa. Ở Mỹ thuế khoá ngày càng nặng nề, sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Nạn lạm phát ngày càng trầm trọng. Danh dự nước Mỹ ngày càng tiêu tan... Dù Mỹ đưa thêm mấy nghìn máy bay, mấy chục vạn binh sĩ, kết quả là Mỹ cũng nhất định thất bại.

Hoà bình không cần đi tìm đâu xa, ông Menxphin ạ!

Lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tuyên bố 5 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã nói rõ. Nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ cũng đã nói rõ: Tức là đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, phải chấm dứt việc bắn phá miền Bắc thì hòa bình sẽ trở lại ngay.

Nhân dịp này, nhờ ông chuyển đến đồng bào Mỹ của ông lời chào hữu nghị của nhân dân Việt Nam.

Greetings[3].

LÊ BA

-------------------

Báo Nhân Dân, số 4407, ngày 30-4-1966, tr.4.


1. Thưa ông (TG).

2. Rất tốt (TG).

3. Lời chào (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.