Thưa ngoại trưởng,

Các hãng thông tin nước ngoài (7-11) báo tin rằng: Khi đến Ấn Độ và nói đến vấn đề Việt Nam, ngài có tuyên bố: Là một nước có chân trong Ban giám sát quốc tế, “Canađa chỉ có thể thừa nhận một cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam, nếu Canađa thật chắc rằng cuộc tuyển cử ấy sẽ tự do như kiểu tuyển cử ở Ấn Độ và ở Canađa...”.

Trước hết, nhân dân chúng tôi cảm ơn ngài đã quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Nhưng chúng tôi tiếc rằng ngài không cho biết rõ tự do kiểu Canađa là thế nào?

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng tôi thì chủ trương tuyển cử tự do là như thế này:

- Tự do tuyển cử - Tất cả công dân Việt Nam gái và trai từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị đều có quyền tham gia tuyển cử, tự do bỏ phiếu bầu cử những người mình tin cậy.

- Tự do ứng cử - Tất cả công dân Việt Nam gái và trai từ 21 tuổi trở lên, không phân biệt gì như đã nói trên, đều có quyền tự do ứng cử.

- Tự do tuyên truyền - Tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt miền Bắc hay là miền Nam, đều có quyền tự do đi tuyên truyền khắp cả nước bằng hội họp, truyền đơn, báo chí,... Chính phủ miền Bắc và chính quyền miền Nam phải đảm bảo quyền tự do và sự an toàn cho tất cả mọi công dân hoạt động trong cuộc tổng tuyển cử.

- Cách thức bỏ phiếu - hoàn toàn bình đẳng, bí mật và trực tiếp.

Nói tóm lại, nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đảm bảo cuộc tổng tuyển cử khắp cả nước (như Hiệp nghị Giơnevơ đã quy định), hoàn toàn tự do và dân chủ, hoàn toàn khác với cuộc “trưng cầu dân ý” giả hiệu của Ngô Đình Diệm.

Như vậy, phải chăng là tuyển cử tự do theo kiểu Canađa? Rất mong ngài chỉ giáo.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 624, ngày 17-11-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.