Trí thức tư sản gồm có các đảng phái dân chủ, các giới giáo dục, báo chí, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật, y tế, nhân viên các cơ quan, học sinh các trường đại học. Cộng độ 3 triệu 50 vạn người.

Trước khi đi vào nội dung của vấn đề, tôi xin giới thiệu mấy chữ mới thường dùng ở đây:

- Hồng: nghĩa là lập trường cách mạng vững vàng.

- Chuyên: nghĩa là nghề nghiệp chuyên môn thông thạo.

- Đại minh đại phóng: nghĩa là phóng tay phát động quần chúng, có gì nói hết, không ngần ngại e dè.

- Lấy lửa đốt mình: nghĩa là cán bộ tự phê bình một cách sâu sắc, triệt để, không sợ mất thể diện, mất uy tín để đốt sạch khuyết điểm và làm kiểu mẫu cho quần chúng tự phê bình và phê bình.

Những thắc mắc lúc đầu

Khi bắt đầu chỉnh phong, giới trí thức tư sản nhiều người thắc mắc. Họ nói:

Người trí thức chẳng có xí nghiệp, ruộng đất cũng không, sao lại gọi là tư sản?

Đã không phải là phe hữu, thì vì sao còn phải cải tạo?

Những người trí thức đã tham gia công đoàn, tức là thuộc về giai cấp vô sản rồi chứ?

Cứ ra sức làm tốt nghiệp vụ, thì không cải tạo cũng không sai lầm.

Một gian phòng, vài quyển sách, như thế là yên thân, là thanh cao, không cải tạo cũng được.

Giai cấp nông dân lao động hàng nghìn năm nay, mà tư tưởng vẫn lạc hậu; nhiều cán bộ già đã được rèn luyện bao nhiêu năm mà vẫn mắc sai lầm. Vậy thì tham gia lao động chân tay có ích lợi gì?

Người khoa học đi tham gia lao động chân tay, như vậy khác nào đưa gang thép dùng như cây gỗ...

Và còn nhiều lời lẽ như vậy nữa. Bề ngoài thì như chỉ tranh luận về một cái danh từ, một quan niệm: tư sản hay là không tư sản; nhưng thực tế là vấn đề: muốn hay là không muốn cải tạo.

Chủ nghĩa cá nhân, linh hồn danh lợi

Số lớn người trí thức Trung Quốc là phe tả. Hơn 1 triệu 25 vạn trí thức là đảng viên Đảng Cộng sản.

Đối với trí thức tư sản, Đảng dùng chính sách đoàn kết, giáo dục, giúp đỡ cải tạo và mong cho họ tiến bộ không ngừng. Chi bộ Đảng và Đoàn (thanh niên cộng sản) dùng mọi hình thức êm đềm như báo chữ to, nói chuyện với từng người, hội nghị từng nhóm, khai hội thảo luận, triển lãm, v.v. đảng viên và đoàn viên thì gương mẫu trong việc “lấy lửa đốt mình”, và kiên nhẫn giúp đỡ người khác “đại minh đại phóng”.

Nhờ vậy, mà giới trí thức tư sản cảm động và chuyển dần, từ chỗ e ngại, ngập ngừng, đến chỗ quyết tâm có gì “trong ba lô trút ra hết”. Có người đã nói rõ những điều mà xưa nay họ ấp ủ trong lòng, không hề hở ra với vợ con, bầu bạn. Sau đây là tóm tắt mấy điểm tự phê bình của những người trí thức tư sản:

Số đông trí thức đã được đế quốc và phong kiến giáo dục, nuôi nấng. Cho nên cách sinh hoạt, thế giới quan, học thuật và tư tưởng chính trị của họ đều có một hệ thống toàn diện. Vì vậy, họ có ý thức và lý luận toàn diện của giai cấp tư sản. Và nền tảng tư tưởng và hành động của họ là chủ nghĩa cá nhân.

Do chủ nghĩa cá nhân mà họ chỉ biết vì danh vì lợi.

Về lập trường, họ không rành mạch ai là bạn, ai là thù. Họ lưu luyến chế độ tư bản và phong kiến. Họ không ưa Liên Xô, không thích học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ xem khinh lao động chân tay và người lao động chân tay. Vì danh lợi mà họ thường gây xích mích chia rẽ giữa giới trí thức với nhau và giữa giới trí thức và Đảng. Bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lợi ích cá nhân. Họ không tin vào tính chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, không tin vào lực lượng vô cùng to lớn của nhân dân.

Đối với sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội, họ chỉ nhận một cách mơ hồ. Khi gặp những việc cụ thể, cái gì hợp với lợi ích cá nhân của họ thì họ tán thành, cái gì không hợp thì họ phản đối. Đối với những chính sách của Đảng và Chính phủ về văn hóa kỹ thuật, thì họ cho là mệnh lệnh, ép buộc; họ không vui lòng tiếp thu. Tinh thần trách nhiệm của họ rất thấp.

Về mặt công tác, họ muốn làm người chuyên gia nổi tiếng, để tạo cho mình địa vị và oai quyền. Còn những công tác cần kíp để phát triển kinh tế và văn hóa của nhân dân mà Nhà nước giao cho họ, thì họ ít lo đến. Vì vậy mà họ giấu nghề, coi học thuật là của riêng của họ, không chịu hợp tác với người khác. Do đó, họ đã gây nhiều tổn thất cho nhân dân, lãng phí nhiều tiền tài của Nhà nước, đồng thời lãng phí tinh thần và lực lượng của bản thân họ.

Đối với những người cùng trong một ngành, họ coi như là “oan gia đối đầu”, trước mặt thì rất khách khí, sau lưng thì gièm pha lẫn nhau; chẳng những họ không tôn trọng lẫn nhau, mà còn tìm cách dìm nhau. Tinh thần đoàn kết rất kém.

Có người vì danh lợi mà chỉ ra sức viết bài và dịch sách, còn nhiệm vụ giáo dục thì chỉ làm qua loa.

Vì muốn được nhiều tiền nhuận bút, thường thường họ viết ẩu, dịch ẩu; đồng thời truyền bá những tư tưởng sai lầm vào đám thanh niên.

Thậm chí có người ăn cắp sách này một câu, chép trộm vở kia một đoạn, rồi viết thành sách, làm ra ta đây cũng là học giả, chuyên gia.

Đối với học trò, họ không thật thà dạy bảo. Họ chỉ dạy, còn học hay là không học, mặc kệ học trò. Họ coi học thức như gia tài riêng của họ, giấu kín những tài liệu quý, không cho học sinh và các giáo viên khác xem. Họ chỉ tốt với học sinh và cán bộ nào hẩu với họ; đối với những học sinh và cán bộ có công trong chiến tranh cách mạng thì họ tỏ ý không ưa, không giúp đỡ.

Kiểm thảo thật thà, cải tạo triệt để

Sau đây là ý kiến của mấy vị trí thức nổi tiếng:

- Ông Cung Tướng Thụy, giáo sư về khoa pháp luật, nói:

“Trước đây, tôi không nhận tôi là trí thức tư sản. Trong chỉnh phong, quần chúng nêu rõ lập trường, tư tưởng và tác phong của tôi. Lúc đầu, tôi thất kinh. Nhưng khi tôi đào tận gốc, thì tôi không thấy kỳ quái nữa. Trước ngày giải phóng, tôi đã làm quan với chính quyền phản động. Từ ngày giải phóng, tôi được Đảng đoàn kết, giáo dục, bảo vệ, lại còn cho tôi vinh dự nữa. Nhưng tôi chưa nhận thức cách mạng một cách tự giác. Vì vậy, khi dạy học, tôi đã vô tình mà làm hại đến tư tưởng của học sinh. Nói rằng tôi dạy học, kỳ thực tôi lôi kéo học sinh theo tư tưởng tư sản, tranh giành học sinh với chủ nghĩa xã hội.

Bây giờ, con đường đã rất rõ ràng: Nếu không rời bỏ tư tưởng và lập trường tư sản, thì không thể công tác cho chủ nghĩa xã hội. Nếu không cố gắng tiến bộ nhảy vọt, thì sẽ bị bánh xe lịch sử hất lại phía sau...”.

- Ông Phó Ưng, giáo sư nổi tiếng về hóa học, đã ở bên Mỹ 13 năm, nói:

“Xét lại kỹ, thì trong đầu óc tôi 98% là tư tưởng tư sản. Trước đây tôi thường nói: Tôi hết lòng ủng hộ Đảng. Nhưng Đảng là Đảng của giai cấp vô sản, tư tưởng của giai cấp vô sản và tư tưởng của giai cấp tư sản là đối lập. Như vậy mà tôi nói hết lòng ủng hộ Đảng, thì chỉ là dối người và tự dối mình. Tôi đã từng nêu ra luận điệu “phân công” - Đảng giữ việc chính trị, tôi giữ việc chuyên môn. Nay tôi mới nhận rõ rằng: Mình đứng về lập trường tư sản, thì chắc truyền bá tư tưởng tư sản cho thanh niên. Chỉ có đứng về lập trường vô sản, mới có thể dạy học tốt”.

- Giáo sư số học Hoa La Canh (được đề nghị giải thưởng Xtalin): “Tám năm trước đây, trong lúc nhiều người đang do dự thì tôi đã quyết tâm từ Mỹ về nước. Tôi coi như vậy là tôi đã một lòng một dạ đi theo Đảng. Nhưng kinh qua nhiều đêm không ngủ, tôi đã suy nghĩ và thấy rằng: Đi theo Đảng chưa phải là một lòng với Đảng. Chim âu đi theo tàu thủy, nhưng không phải nó cùng chung một mục đích với tàu; nó theo tàu vì nó muốn tìm món ăn... Đồng tâm thì đồng đức. Nếu tôi cứ giữ lấy tư tưởng tư sản, thì hoàn toàn không thể đồng đức với chủ nghĩa xã hội. Đã không đồng đức thì không đồng tâm. Cho nên một người đầy chủ nghĩa cá nhân như tôi, thế nào mà đồng tâm đồng đức được với Đảng, với giai cấp công nhân.

Nhờ ơn Đảng chịu khó giáo dục tôi, chịu khó chờ cho tôi ăn năn sửa đổi. Nếu không vậy thì có lẽ tôi đã thành một kẻ phản dân, phản Đảng. Đảng đã cứu tôi sống, đã cứu đời sống chính trị của tôi.

Trước đây, trong cuộc “ba chống”, những người muốn giúp tôi sửa đổi, tôi lại nghi họ có ác ý với tôi. Họ phê bình tôi, tôi coi thế là đả kích, gièm pha. Tôi ngờ vực việc nọ, ngờ vực người kia. Tôi không coi cán bộ là người thầy thuốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ chữa bệnh cho tôi. Tôi coi họ là người làm cho tôi thêm bệnh!

Tôi còn oán Đảng không nhận thức đúng học thuật của tôi. Sau “ba chống”, tôi lại oán Đảng đánh giá quá thấp trình độ chính trị của tôi. Tôi không hiểu rằng vì yêu quý tôi mà Đảng phê bình và giáo dục.

Tư tưởng tư sản đã làm tôi mù quáng.

Khi được Đảng tín nhiệm, thì tôi tự cao tự đại, cho mình là giỏi lắm rồi. Đuôi ngoắt lên rất cao, mũi sỉnh lên rất lớn. Tự cho mình là chính trị cũng giỏi, nghề nghiệp cũng tài. Vì vậy mà không ăn khớp và không đoàn kết được với ai. Kỳ thực, chính trị thì tôi chỉ giỏi nói suông, nghề nghiệp thì tôi sắp cụt vốn.

Nhờ chỉnh phong mà tôi nhận rõ những khuyết điểm tai hại của tôi. Nghĩ đến sai lầm trước, lòng tôi rất xót xa.

Từ nay về sau, tôi quyết toàn tâm toàn ý làm tốt những công việc Đảng giao cho tôi; ra sức làm việc, tranh thủ tiến bộ, kiên quyết một lòng với Đảng; tiến lên mãi, cố tiến không ngừng.

Kiểm điểm lại việc tôi dạy học trước đây, khác nào một cách mua bán đê tiện, “tiền trao, cháo múc”. Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm.

Từ nay về sau, tôi nhất định học tập kỹ và tìm hiểu thấu những phương châm và chính sách của Đảng, quyết không vì lợi riêng mà hại đến lợi chung. Mọi việc đều để lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên hết. Đưa tất cả học thuật, lực lượng và tính mạng của tôi dâng cho Đảng.

Cuối cùng, ý nguyện của tôi là: quyết tâm làm một người trí thức của giai cấp công nhân. Quyết tâm tranh thủ “hồng” triệt để và “chuyên” triệt để. Quyết tâm làm đúng tiêu chuẩn của một người đảng viên và tranh thủ vào Đảng để làm một chiến sĩ trong đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân”.

Các ông Trần Kiến Công, Mạnh Hiến Thừa và nhiều giáo sư các trường cao đẳng khác tuyên bố:

“Nếu giới trí thức chúng tôi không cải tạo đúng theo sự yêu cầu của chủ nghĩa xã hội, thì chúng tôi sẽ không hợp với xã hội mới...

Nâng cao tư tưởng chính trị là một việc rất quan trọng của người giáo sư. Tuy vậy, vẫn có một số ít giáo sư đại học không thích chính trị, chỉ dạy sách, không dạy người. Thầy như vậy, sẽ bồi dưỡng ra những học trò cũng như vậy. Nếu giáo sư không cải tạo tư tưởng, thì trường học của chủ nghĩa xã hội sẽ đào tạo ra những học sinh tư sản. Vì vậy, ở các trường cao đẳng đã có cuộc đấu tranh sôi nổi giữa hai con đường - con đường tư sản và con đường xã hội chủ nghĩa.

Chỉnh phong đã giúp cho mọi người chúng tôi thêm chí khí lực lượng để vạch rõ và phê phán mọi tư tưởng tư sản, và các trường cao đẳng đã nảy nở một khí tượng mới mẻ. Nhiều trường học đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng: cần kiệm để xây dựng trường học, lao động để rèn luyện bản thân, mở cửa trường cho học sinh công nông... Đối với học sinh, các thầy giáo phụ trách toàn diện, nâng cao chất lượng dạy và học. Trách nhiệm của giáo sư rất to, rất nặng và rất vẻ vang. Cho nên phải có quyết tâm vứt sạch cái ba lô của xã hội cũ, và tự mình rèn luyện thành người giáo sư của giai cấp công nhân”.

Một đặc điểm tôi muốn nêu lên là cái phong độ thật thà của giới trí thức Trung Quốc. Thắc mắc bước đầu đã được giải quyết thì họ tự phê bình một cách rất thật thà, không sợ mất thể diện, mất uy tín. Trong đợt vận động “giao tâm”, họ bộc lộ hết tình hình tư tưởng của họ, không giấu giếm gì hết. Trong mười hôm, người nhiều nhất đã “giao” ra đến 700 điều, người ít nhất cũng “giao” đến mấy mươi điều. Họ gọi là “tiêu độc” cho triệt để, đặng chịu sự phê phán của nhân dân và sự giáo dục của Đảng. Vì vậy, sự cải tạo của họ nhanh và tốt.

Sự giao tâm, phê phán và trong lúc cải tạo, một bầu không khí phấn khởi tràn ngập giới trí thức tư sản đã biểu hiện trong nhiều bài thơ, tạm dịch vài bài như sau:

Dâng tấm lòng cho Đảng,

Lòng riêng thành lòng chung,

Lòng chung là Đảng tính,

Một lòng vì quần chúng.

Lòng riêng nếu không dâng

Vì sợ ánh sáng soi,

Vật gì để trong tối

Lâu ngày cũng hóa hôi.

Lòng riêng đã dâng ra,

Sẽ tẩy hết xấu xa

Nước đục chảy ra sông,

Đục sẽ biến thành trong.

Lòng riêng hóa lòng chung,

Vì luôn luôn dâng lòng,

Như người muốn tốt đẹp,

Ngày ngày soi hình dung.

Lòng chung là Đảng tính,

Như mặt trời rạng soi

Lòng riêng như muôn vật,

Chịu ánh sáng tốt tươi.

Dâng lòng, lại dâng lòng,

Mọi người đều hoan hân,

Một lòng vì nhân dân,

Tâm đồng, đức cũng đồng.

Toàn dân đều dốc một lòng,

Xây dựng Tổ quốc vô cùng tốt tươi,

Đảng ta sáng suốt muôn đời,

Tiền đồ gấm vóc càng tươi càng nồng.

(Văn sĩ Ban Hân)

*
* *

Năm năm nhìn ba năm, ba năm nhìn năm đầu1

Mạnh dạn tiến bước, đón bầu trời xuân.

Sản xuất đều nhảy vọt, cải tạo không ngại ngần

Lập trường phải vững chắc, thế giới quan phải rõ ràng

Bỏ tự cao tự đại, quét luận điệu bi quan,

Chủ nghĩa xã hội ta đứng vào hàng chủ nhân.

Đảng và Mao Chủ tịch lãnh đạo ta tiến dần,

Ta phải cố tiến, không thì sẽ bị vần xuống vực sâu,

Quyết tâm cải tạo, chớ ngại chớ rầu,

Xung lên, ráng sức, cúi đầu qua cửa quan2

Người người vui vẻ, xuân khắp thế gian,

Kính chúc Mao Chủ tịch thọ vàn vàn vàn năm!

(Đặng Sơ Dân, Phó tỉnh trưởng Sơn Tây)

*
* *

Ông Triệu Nại Trì, giáo sư khoa kinh tế, đã tóm tắt tâm sự của mình trong hai câu thơ.

Trước chỉnh phong thì:

Phía Tây mặt trời lặn, phía Đông mặt trăng lên,

Ngành hoa bóng xế, hàn huyên mấy trùng![3]

Sau chỉnh phong thì:

Triêu dương chiếu bến Hoa Đào,

Đầy trời tơ liễu rọi vào đỏ tươi [4]

Sau đây tôi muốn nêu kết quả chỉnh phong của giới trí thức trong vài ngành để làm thí dụ.

Các đảng phái dân chủ và nhân sĩ không đảng phái

Những đợt học tập và thảo luận sôi nổi với nội dung chính là:

Xóa bỏ cách sinh hoạt tư sản, cải tạo thành người lao động chân chính.

Xóa bỏ thói tự cao tự đại, lên mặt; trong thực tiễn hòa mình với công nông.

Dâng tấm lòng cho Đảng, dâng trí thức cho nhân dân.

Trở nên con người mới trong bước tiến nhảy vọt ở các ngành khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục...

Kết thúc đợt ấy vào hồi tháng 3-1958, các đảng phái và nhân sĩ dân chủ khắp Trung Quốc đã tổ chức những cuộc đại hội và biểu tình khổng lồ. Như ở Thượng Hải có hơn 10.000 người trí thức, ở Bắc Kinh có hơn 10.000 người, ở Quảng Châu hơn 7.000 người, ở Trịnh Châu hơn 2.000 người, ở Tế Nam hơn 1.800 người, v.v..

Đại hội ở Bắc Kinh đã thông qua Công ước như sau:

“Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Mao Chủ tịch, nhân dân của Tổ quốc vĩ đại chúng ta đang ào ạt hăng hái tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên mặt trận chính trị và tư tưởng làm cho nước ta xuất hiện một hình thế mới trong sự tiến bộ nhảy vọt của chủ nghĩa xã hội. Hình thế ấy đã cho chúng ta một sự khuyến khích và một lực lượng vô cùng to lớn.

Chúng tôi thề, với quyết tâm to nhất, ra sức cố gắng để tiến bộ mãi, tự mình cải tạo từ giai cấp tư sản biến thành người lao động “tự thực kỳ lực” từ trí thức tư sản biến thành người trí thức của giai cấp công nhân, đã “hồng” lại “chuyên”. Vì vậy, chúng tôi, các đảng phái dân chủ và các nhân sĩ dân chủ không đảng phái, lập công ước tự mình cải tạo theo chủ nghĩa xã hội, gồm có những điểm như sau:

1- Cải tạo lập trường chính trị, dâng tấm lòng cho Đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

2- Trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, thật thà chấp hành những chính sách và pháp lệnh của Nhà nước, toàn tâm toàn ý đưa tất cả trí tuệ và lực lượng của mình dâng cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

3- Kinh qua sự thực tiễn của xã hội mà học hỏi công nhân và nông dân, xây dựng quan điểm lao động, ra sức bồi dưỡng tư tưởng và cảm tình sẵn có của nhân dân lao động.

4- Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật tiên tiến của Liên Xô.

5- Cố gắng căn bản cải tạo mình cho nhanh, kiên quyết chấp hành những chính sách của Mặt trận dân tộc thống nhất để phục vụ chủ nghĩa xã hội.

Chúng tôi nhất định hết sức cố gắng, khuyến khích lẫn nhau, đảm bảo thực hiện công ước này”.

Trong Đại hội, nhiều người và nhiều nhóm đã viết thư quyết tâm, thách nhau thi đua và nhận thi đua ba điểm: thi đua tham gia chỉnh phong, thi đua tự mình cải tạo, thi đua đưa tiến bộ nhảy vọt.

Có nhóm đề ra “năm nói thật”: Đối với Đảng nhận thức thế nào? Đối với chủ nghĩa xã hội nhận thức thế nào? Suốt thời kỳ chỉnh phong năm ngoái, lời nói, việc làm, tư tưởng của mình thế nào? Đã chịu ảnh hưởng phe hữu thế nào? Sau cuộc đấu tranh chống phe hữu, tư tưởng và nhận thức của mình thế nào?

Có nhóm đề ra thi đua hoàn thành nhiệm vụ khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục mà Đảng và Chính phủ đã giao cho, làm đúng khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Trong lúc tuần hành, có những cảnh tượng vừa vui vừa cảm động. Như ông cụ Thẩm Quân Nho, ngoài 80 tuổi, đã hăng hái cầm cờ dẫn đầu hàng vạn trí thức tiến lên.

Cụ Chu Uẩn Sơn cùng chín ông cụ nữa đều ngoài 70 tuổi, giương cao bức “thập lão quyết tâm thư” to tướng. Nội dung bức thư là: “Sống đến già. Học đến già. Làm việc đến già. Đưa tuổi già dâng cho Đảng và chủ nghĩa xã hội”.

Bên cạnh là 24 ông cụ khác râu dài đến ngực, tóc bạc ngư sương, nhận lời thách của nhóm cụ Chu và thêm mấy điều: thi đua ai lập trường vững hơn, ai lao động tốt hơn, ai học tập chăm hơn.

Thật là:

Càng già càng dẻo, càng dai,

Tuổi già, chí trẻ, mấy ai sánh bằng!

Tiếp theo cuộc “Xã hội chủ nghĩa tự ngã cải tạo xúc tiến đại hội” là đợt thi đua sôi nổi giữa các đảng phái dân chủ và các nhân sĩ dân chủ không đảng phái để thực hiện “công ước” tự cải tạo.

Văn hoá

Từ ngày Trung Quốc được giải phóng, ngành văn hóa tiến bộ rất nhiều. Nhưng với cuộc chỉnh phong, giới văn hóa cảm thấy cần phải cải tạo triệt để hơn nữa, cần phải đi sâu hơn nữa vào trong tầng lớp công, nông, binh.

Để đạt mục đích ấy, cơ quan văn hóa cần phải thực hiện cho bằng được phương châm “cần kiệm xây dựng nước nhà”. Phải phát triển tác phong mới: cần cù, tiết kiệm, gian khổ, chất phác.

Phải chống chủ nghĩa hình thức, chống xa rời quần chúng. Phải trừ cho hết bệnh phô trương, lãng phí, quan dạng, bảo thủ. Phải tăng cường quản lý và giảm nhẹ cơ quan.

Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân (công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên...), kiên quyết chống những tiểu thuyết xấu, bài hát xấu, điệu múa xấu, tuồng hát xấu...

Kết quả bước đầu của chỉnh phong là năm nay ngân sách Bộ Văn hóa giảm được 15% mà công tác văn hóa lại phát triển rất mạnh khắp cả nước.

Sau những cuộc thảo luận sôi nổi, giới văn nghệ đã đi đến kết luận chung như sau:

- Cho rằng sự phát triển của văn học nghệ thuật là một quá trình hoàn toàn tự phát, không cần đến sự lãnh đạo của Đảng - đó là một tư tưởng sai lầm, nguy hiểm, nó có thể đưa văn nghệ xa rời nhân dân, thậm chí phản bội nhân dân.

- Văn nghệ phải nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để vũ trang mình. Phải kiên quyết chống những khuynh hướng phản dân chủ, phản chủ nghĩa xã hội trong giới văn nghệ.

- Phải hiểu rõ thời đại mới và đời sống cùng nguyện vọng của nhân dân. Tất cả các ngành văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, múa nhảy, tuồng hát, vẽ... phải quần chúng hóa và dân chủ hóa.

- Văn nghệ phải xây dựng tác phong gian khổ, chất phác. Phải chống xa rời quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động.

Sáng tác cũng phải “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Nói tóm lại: giai cấp lao động cần phải làm chủ văn hóa, nếu không thì giai cấp tư sản sẽ giành quyền làm chủ. Nội dung của văn nghệ phải phong phú, hình thức phải tươi đẹp để phục vụ chính trị, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình thế giới.

Thực hiện đường lối trên, năm nay độ 500 văn nghệ sĩ nổi tiếng bắt đầu đi vào nhà máy, về nông thôn, bộ đội, miền núi, miền biển, công trường, vùng dân tộc thiểu số, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, vừa tự cải tạo, vừa sáng tác. Đó là bước đầu một chế độ thường xuyên.

Các đoàn thể văn nghệ địa phương, như ở Quảng Châu định trong năm nay sẽ có 300 bản kịch mới. Các nhà văn ở Trùng Khánh định viết 1.500 tác phẩm, Thiên Tân sẽ ra 10.000 tác phẩm văn nghệ các loại...

Cục văn nghệ của Quân giải phóng sẽ hoàn thành 2.026 bản kịch, bài hát, điệu múa, bản nhạc, v.v., nhiều hơn năm ngoái 19 lần, và sẽ biểu diễn 2.200 buổi.

Thực hành tiết kiệm: Viện mỹ thuật trung ương sẽ bước đầu tự túc một nửa.

Viện công nghiệp mỹ thuật kết hợp giáo dục với sản xuất sẽ hoàn toàn tự túc.

40 đoàn nghệ thuật quốc doanh chẳng những tự túc, mà còn cố gắng góp một số tiền vào quỹ.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 1600, 1601, 1605, 1607, ngày 30-7, 1-8, 4-8, 6-8-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.462-475.

---------------------

[1]. Ý nói: Kế hoạch 5 năm, 3 năm có thể hoàn thành vì năm đầu tiến bộ nhảy vọt (TG).

[2]. Mỗi lần thử thách là một lần phải trong sạch mới qua được cửa ải, cửa quan (TG).

[3, 4]. Triêu dương là mặt trời mới mọc. Trước thì hờ hững bi quan, sau thì khoan khoái, vui vẻ (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.