Hôm nay ở miền Nam, theo lời quan thầy Mỹ, Ngô Đình Diệm đang bày trò hề "Trưng cầu dân ý".

Trưng cầu dân ý chân chính là: Đưa cách giải quyết một vấn đề nào đó có quan hệ đến vận mệnh của nước nhà, của dân tộc, để hỏi ý kiến chung của toàn dân. Nhân dân hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến. Đó là một phương pháp dân chủ.

Trò hề "Trưng cầu dân ý" của Diệm thì trái hẳn.

Nó có dã tâm làm "Quốc trưởng". Nó có âm mưu phá hoại thống nhất, hòa bình. Dã tâm của nó sẽ hại dân hại nước.

Nó cho quân đội, công an, cảnh sát và bọn lâu la của nó dùng mọi cách đe dọa, áp bức, khủng bố, lùng từng nhà, bắt từng người đi bỏ phiếu cho nó.

Đồng bào miền Nam căm tức nó. Nhân sĩ miền Nam (như nhóm ông Trần Văn Hữu, nhóm ông Nguyễn Mạnh Hà) phản đối nó ra mặt. Tất cả nhân dân miền Bắc vạch mặt giả dối của nó.

Ai cũng biết "chí sĩ" Ngô Đình Diệm từ đời cha đến đời con, lợi dụng danh nghĩa Công giáo, nịnh hót bọn Pháp thực dân, đàn áp phong trào cách mạng - nhờ vậy mà cả nhà thành đại địa chủ, làm quan to. Vì bị Phạm Quỳnh hất cẳng, mà "thượng" Diệm được tiếng "thanh liêm". Khi Nhật xâm chiếm nước ta, thì Diệm đi theo Nhật. Những năm kháng chiến, đồng bào cả nước cực khổ gian nan, hy sinh chiến đấu thì Diệm thảnh thơi ở Mỹ. Nay thì Diệm làm tay sai Mỹ, phá hoại hòa bình, phá hoại thống nhất nước nhà. Đó là "công lao" của Ngô "chí sĩ".

Quen thói "treo đầu dê, bán thịt chó", hôm nay Diệm dùng đủ kiểu mua chuộc, áp bức, lừa gạt, gian dối. Ngày mai, nó sẽ tuyên bố trắng trợn rằng "nó được đại đa số nhân dân miền Nam tán thành”. Rồi từ "chí sĩ", Diệm sẽ lên ngôi "Tổng thống", từ trò hề "Trưng cầu dân ý" Diệm sẽ tiến đến trò hề "tổng tuyển cử". Rồi tiến đến bán hẳn miền Nam cho Mỹ làm thuộc địa, làm căn cứ quân sự.

Trước kia, ở châu Âu, bọn đầu sỏ phát xít Mútxôlini và Hítle đã đi con đường bẩn thỉu đó và kết cục đã thất bại nhục nhã. Diệm rồi cũng không khỏi thất bại.

Trò hề của Diệm chỉ làm cho đồng bào miền Nam càng biến lòng căm ghét thành chí khí đấu tranh. Trước âm mưu độc ác của Mỹ-Diệm, nhân dân ta từ Bắc đến Nam càng thêm đoàn kết, càng quyết tâm phấn đấu cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 599, ngày 23-10-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.173-174.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.