Hôm nay, Hoa Kỳ lại có cuộc bầu tổng thống.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ từ năm 1789 đến nay, cứ 4 năm thì bầu tổng thống mới. Có mấy vị tổng thống được nhân dân Mỹ thật sự kính mến, như:

Hoa Thịnh Đốn (1732 - 1799), đã đánh đuổi thực dân Anh giành lại độc lập cho Mỹ.

Lincôn (1809-1865), đã tuyên bố giải phóng người Mỹ da đen khỏi ách nô lệ.

F. Rudơven (1882-1945), đã đưa Mỹ tham gia cuộc Thế giới đại chiến thứ hai, góp phần đánh bại phát xít Đức, Ý, Nhật.

Tuy nói rằng tổng thống là người cầm đầu Chính phủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Nhưng sự thật thì thế nào? Mồ ma Tổng thống Uynxơn[1] (1856-1924) đã trả lời như sau:

"Bọn tài phiệt và chủ công nghiệp là người chủ của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ là con nuôi của lợi quyền đặc biệt Mỹ. Chính phủ Mỹ không được phép có ý kiến của mình...".

Ở Mỹ có hai chính đảng lớn là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, thuộc hai phe tư bản độc quyền. Khi thì người đảng này, khi thì người đảng kia được bầu làm tổng thống. Trong cuộc bầu cử này tổng Giôn là người của Đảng Dân chủ, Gônoatơ thuộc Đảng Cộng hòa. Những ngày vận động tranh cử, chúng hết lời bêu xấu nhau, ví dụ: Gônoatơ thì nói Giôn là một tên địa chủ độc ác, đã bốn lần phản đối việc bỏ thuế thân cho người Mỹ da đen. Mấy triệu đôla của Giôn từ đâu mà có. Tên cố vấn thân cận nhất của Giôn đã hai lần bị bắt vì tội hiếp dâm...

Giôn thì nói Gônoatơ là bạn thân của bọn đầu trộm đuôi cướp, chủ trương phân biệt chủng tộc, chống người Mỹ da đen, v.v..

Mặt khác, cả hai chàng đều ra vẻ dân chủ, bắt tay với người này, cụng chén với người kia. Cả hai chàng đều ra sức lừa bịp nhân dân, hứa hươu hứa vượn, miễn là câu được lá phiếu của cử tri.

Mạt cưa mướp đắng hai bên cũng vừa.

Nhưng cả hai gã đều không dám nói làm thế nào để cải thiện tình trạng đen tối ở nội bộ Hoa Kỳ. Tình trạng đó là hơn 5 triệu công nhân hoàn toàn thất nghiệp. Hơn 20 triệu gia đình áo không đủ mặc, bánh không đủ ăn. 20 triệu người Mỹ da đen bị đày đọa như nô lệ. Hơn 9 triệu người không có nhà ở. Hàng triệu nông dân bị phá sản. Số người tự sát vì cực khổ và số người phạm tội ngày càng tăng, v.v..

Hai gã đều không dám nói đến tình hình thế giới đối với Mỹ. Tình hình ấy sa sút làm cho các báo tư sản Mỹ đã phải than phiền. Thí dụ:

Gần 20 năm nay "Mỹ đã xài 108 tỉ đôla viện trợ các nước ngoài và 684 tỉ để xây dựng quốc phòng. Nhưng hiện nay trên thế giới, ở đâu Mỹ cũng gặp chuyện lôi thôi. Các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Ý, v.v. đều khiêu chiến với sự lãnh đạo của Mỹ. Khối Bắc Đại Tây Dương thì ba bè bảy mảng, Khối Đông Nam Á thì đương đi đến chỗ tan hoang..." (báo Tin tức Mỹ và thế giới, tháng 2-1964).

"Cục diện thế giới rất không lợi cho Mỹ. Năm 1960 đến nay, từ Cu Ba đến Dandiba, Mỹ đều mất hết địa bàn..." (báo Ngôi sao Hoa Thịnh Đốn, tháng 2-1964).

Báo Luận đàm Nữu Ước (tháng 2-1964) thì viết rằng: "Ngoại giao của Mỹ chúng ta đang vấp phải nhiều khó khăn, thất bại và tuyệt vọng. Nếu tập đoàn Giôn cứ ngoan cố theo đuổi chính sách cũ, thì Mỹ còn vấp phải nhiều thất bại và thất vọng hơn nữa...".

Vì vậy nhân dân Mỹ đối với cuộc tuyển cử này "tỏ ra chán ghét và lạnh nhạt" (báo Tin tức hàng tuần, tháng 9-1964).

Thật vậy, ở đâu trên thế giới cũng có phong trào chống Mỹ, nhất là ở Á - Phi và Mỹ Latinh. Ở Nam Việt Nam thì Mỹ và tay sai đã thất bại và sa lầy đến tận cổ. Dù Giôn hay là Gônoatơ được bầu làm tổng thống, nếu muốn tránh khỏi thất bại và thất vọng hoàn toàn, Mỹ chỉ có một con đường là rút lui có trật tự khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình như Hiệp nghị Giơnevơ 1954 đã quy định.

CHIẾN SĨ

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3869, ngày 3-11-1964, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.409-411.


[1]. Nguyên bản ghi: Vinsơn (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.