Kinh tế ngày càng tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Thanh niên công nông cần có kỹ thuật, mà muốn học kỹ thuật thì phải có văn hóa. Muốn dạy văn hóa cho thanh niên, cần phải mở nhiều trường học. Nhưng tiền bạc Nhà nước chi tiêu vào việc giáo dục thì có hạn. Đó là một mâu thuẫn, làm thế nào để giải quyết?

Nghe lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, nhân dân Trung Quốc đang giải quyết vấn đề ấy bằng cách tự mình lập ra trường học.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trường học dân lập tiểu học ở 15 tỉnh và thị xã đã có 25.600 trường với hơn 161 vạn học sinh trung học ở 18 tỉnh và thị xã đã có hơn 8.000 trường với 42 vạn học sinh.

Những nhà trường ấy hoặc do nhân dân quyên góp mà xây dựng, hoặc mượn các nhà thờ họ và các đình, chùa. Bàn ghế thì do các gia đình học sinh cung cấp.

Đại đa số học sinh là con em nhân dân lao động. Họ muốn làm thế nào đã được học lại khỏi ảnh hưởng đến công việc sản xuất. Có một cách giải quyết khéo - là vừa học vừa làm. Thí dụ: Trường trung học Quần Lực ở Quý Châu, học sinh học nửa ngày, còn nửa ngày thì tham gia sản xuất, trời mưa thì học nhiều, trời nắng thì làm nhiều; ngoài giờ học thì khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi…

Lại như trường trung học số 7, ở Trịnh Châu, mỗi ngày sáng sớm đi học, mỗi em mang theo dao liềm và thúng rổ. Chiều học xong, nhân lúc đi đường về nhà, các em hoặc cắt cỏ, hoặc nhặt phân…

Các trường quốc lập cũng dần dần đi đến tự cấp tự túc. Như các viện nông lâm đã biến các nông trường thí nghiệm thành những nông trường sản xuất. Các viện nghiên cứu công nghiệp biến những phòng thí nghiệm thành những xưởng máy nhỏ sản xuất.

Nhờ những biện pháp nói trên, mà Nhà nước giảm được rất nhiều số tiền chi tiêu cho các trường học, và dùng số tiền tiết kiệm ấy để lập thêm trường học mới. Đồng thời, cách giáo dục như vậy, thanh niên sẽ được bồi dưỡng thành những cán bộ lao động có trí thức và kỹ thuật, tư tưởng xã hội của họ được cải tạo, trình độ chính trị được nâng cao, lý luận kết hợp với thực tiễn.

Các trường dân lập không cần phải rập theo một khuôn khổ nhất định; làm to hay là nhỏ, nhiều hay là ít, phải đúng với điều kiện thiết thực của mỗi địa phương.

Kinh nghiệm cho biết rằng: Trường học dân lập sở dĩ thành công là do lãnh đạo khôn khéo và chặt chẽ: Đảng uỷ mỗi tỉnh phải thống nhất lãnh đạo, phải làm cho toàn thể cán bộ từ huyện đến xã thật thông suốt, rồi kinh qua các đoàn thể và các hội đồng nhân dân làm cho quần chúng thật thông suốt. Mặt khác, do việc điều tra nghiên cứu của các cơ quan giáo dục, làm cho các hiệu trưởng và các thầy giáo cũng như gia đình các học sinh thật thông suốt ý nghĩa là lợi ích của nhà trường dân lập. Nói tóm lại: các cấp lãnh đạo phải làm cho tất cả mọi người đều hiểu rõ rằng nhân dân có thể và cần phải tự xây dựng lấy trường học, và nhất định làm được tốt.

Anh em Trung Quốc làm được như thế, nếu đồng bào Việt Nam ta cố gắng thì nhất định cũng làm được.

TRẦN LỰC

---------

Báo Nhân Dân, số 1471, ngày 22-3-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.