Suốt 9 năm nay, Mỹ cấm các nước phương Tây bán cho Liên Xô những thứ mà chúng gọi là hàng “chiến lược”. Chúng nói: “Liên Xô không có gì để trao đổi, mà lại cần những hàng hóa của phương Tây. Nếu phương Tây không bán cho, thì Liên Xô sẽ bị nghẹt thở. Đến lúc đó, Liên Xô sẽ phải nhận những điều kiện của phương Tây”.

Sự thật đã chứng tỏ rằng “cấm vận” không làm cho Liên Xô nghẹt thở chút nào, mà đã làm cho tư bản phương Tây nghẹt thở.

Vừa rồi, chính báo chí Mỹ đã phải nhận rằng: “Những kẻ chủ quan, nhằm tin rằng Liên Xô lạc hậu về mặt kỹ thuật và công nghiệp - cần phải mở mắt mà nhìn thì hơn”.

Các chuyên gia Anh về kỹ thuật máy bay nói: “Trong 3 năm nữa, máy bay phương Tây mới sánh kịp máy bay Liên Xô hiện nay”.

Máy móc của Pháp ế. Nhưng hồi trung tuần tháng 3, Liên Xô đặt mua một số máy móc, thì Pháp lại sợ “cấm vận” mà không dám bán. Việc đó chỉ thiệt thòi cho Pháp, vì theo báo cáo của Liên hợp quốc “Liên xô thiết bị mau chóng hơn các nước châu Âu…”.

Máy khoan đá cũng là một thứ bị “cấm vận”. Đại biểu của một xưởng máy khoan Mỹ vừa đi thăm Liên Xô về cho biết rằng máy của Liên Xô khoan mau hơn 10 lần máy khoan Mỹ. Cũng mới đi Liên Xô về, một đoàn đại biểu kỹ thuật Mỹ nói rằng: “Máy móc Liên Xô rất tốt và đang sản xuất nhiều hơn Mỹ. Về máy móc tự động, thì kỹ sư Mỹ còn phải học thêm kỹ sư Liên Xô”. Và họ kết luận: “Chúng ta tưởng rằng Mỹ dùng “cấm vận” để làm yếu Liên Xô, nhưng kết quả nó chỉ làm yếu việc buôn bán của Mỹ. “Cấm vận” lại bưng mắt chúng ta, không trông thấy những tiến bộ của Liên Xô; do đó mà tưởng nhầm rằng chúng ta tiến bộ hơn”.

Về việc giúp cho các nước như Ấn Độ, Diến Điện, Ai Cập,… xây dựng công nghiệp, phương Tây cũng thua Liên Xô: Liên Xô mua nhiều lâm, thổ sản của các nước ấy với một giá phải chăng; nhờ vậy, họ không lo ế ẩm và mất giá. Họ mua máy móc của Liên Xô với những điều kiện dễ dãi; nhờ vậy, họ tránh khỏi sự bóc lột của phương Tây.

Mỹ thì mua của họ ít, mà sự “giúp đỡ” của Mỹ thì luôn luôn kèm theo những điều kiện chính trị và quân sự nặng nề. Vì vậy, các nước ấy từ chối sự “giúp đỡ” của Mỹ, mà thích buôn bán với Liên Xô.

Thế là “cấm vận” cũng như một cái tròng do Mỹ làm ra, rồi nó tròng vào cổ tư bản Mỹ và phe Mỹ; nhưng nó không ảnh hưởng chút nào đến sự phát triển kỹ thuật và mở rộng buôn bán của Liên Xô.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 774, ngày 16-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.