Từ khi hòa bình lập lại, đế quốc Mỹ đã tiến thêm một bước can thiệp sâu vào ba nước Việt, Cao Miên và Lào hòng gỡ lại thất bại thảm hại của chúng ở Hội nghị Giơnevơ, mưu biến Đông Dương thành căn cứ quân sự và thuộc địa của Mỹ. Nhân dân Đông Dương trước đây kháng chiến chống kẻ thù chính trước mắt là thực dân Pháp đã nhận rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm của mình.

Chính đế quốc Mỹ là kẻ cổ vũ thực dân Pháp phản bội Hiệp định 6-3-1946 và gây chiến tranh xâm lược trở lại; chúng đã thúc đẩy thực dân Pháp thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”. Tháng 8-1947, một phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đến gặp Bảo Đại ở Hương Cảng, lôi kéo tên vua bù nhìn thất thế này, lúc ấy đang lang thang ở những hộp đêm, để chuẩn bịđưa lên ngai vàng mục nát một lần nữa. Tháng 12-1947, tên đó xui giục thực dân Pháp dùng con bài “Bảo Đại”. Tên phái viên Mỹ đó tuyên bố: “Nếu Pháp không dùng thì Mỹ sẽ trực tiếp nắm lấy”.

Từ đầu năm 1950, đế quốc Mỹ tiến mạnh thêm một bước trong kế hoạch can thiệp vào Đông Dương. Kế hoạch này nằm trong toàn bộ kế hoạch xâm lược châu Á của chúng. Ngày 25-6-1950, đế quốc Mỹ gây chiến tranh xâm lược Triều Tiên và chiếm Đài Loan của Trung Quốc.

Ngày 7-2-1950, đế quốc Mỹ chính thức công nhận chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Ngày 2-6-1950, Êkixơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ, tuyên bố quyết ủng hộ thực dân Pháp và các chính phủ bù nhìn do chúng giật dây để tiếp tục chiến tranh xâm lược do đó tiêu thụ vũ khí, đạn dược của chúng.

Ngày 23-12-1950, tức là sau thất bại của thực dân Pháp ở mặt trận biên giới Việt - Trung, đế quốc Mỹ ký hiệp ước viện trợ quân sự cho thực dân Pháp và bù nhìn. Đồng thời với việc cử một viên tướng thân Mỹ là Đờ Tátxinhi sang Đông Dương. Đế quốc Mỹ ráo riết ngày càng tăng viện trợ cho thực dân Pháp và bù nhìn hòng mau chóng kết thúc chiến tranh bằng một thắng lợi của chúng.

Năm 1952, đế quốc Mỹ chi cho chiến trường Đông Dương mới 314 triệu đôla, năm 1953 đã tăng lên hơn 1.000 triệu, năm 1954, thì lên đến 1.113 triệu.

Về vũ khí, theo một cuốn sách của Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản tháng 8-1953 và theo tờ báo Mỹ Thi báo ngày 15-3-1954, đế quốc Mỹ đã viện trợ cho thực dân Pháp:

- 170 triệu viên đạn,

- 17 vạn 5 nghìn súng trường, súng liên thanh và các loại súng khác.

- 1 vạn 6.000 xe hơi,

- 1.400 xe tăng và xe bọc sắt,

- 350 máy bay quân sự,

- 250 thuỷ phi cơ,

- 390 tàu chiến.

Tính đến cuối năm 1953 đã có gần 400 chuyến tàu chở vũ khí Mỹ sang Đông Dương. Sau khi đình chiến, số súng đạn của Mỹ ứ đọng lại ở Đông Dương là 1 triệu 90 vạn tấn.

Đế quốc Mỹ đã từ chỗ can thiệp bằng cách cho thực dân Pháp và bù nhìn tiền và vũ khí, bày mưu tính kế xâm lược cho thực dân Pháp và bù nhìn đến chỗ đã tiến lên cho hẳn cán bộ quân sự sang trực tiếp điều khiển tại chỗ cuộc chiến tranh xâm lược. Những tên tướng Mỹ Bơrin, Ô. Đanien, đeo danh nghĩa là trưởng phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ nhưng chúng chẳng khác gì tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp và bù nhìn. Các kế hoạch quân sự của Pháp đều phải do đế quốc Mỹ duyệt trước, như kế hoạch Nava, thực dân Pháp phải mang sang tận Hoa Thịnh Đốn xin chỉ thị của Mỹ. Tại Đông Dương thì tên tướng Mỹ Ô. Đanien trực tiếp đôn đốc thực hiện kế hoạch ấy.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trước sự thất bại và nguy khốn của quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ đã cho máy bay của chúng bay thẳng từ Phi Luật Tân và Nhật Bản tới tiếp tế và trợ chiến cho thực dân Pháp. Theo tờ báo Mỹ Tin tc nước M và thế gii ngày 12-2 năm nay, hàng ngày 100 chiếc máy bay Mỹ chở từ 200 đến 300 tấn vũ khí sang Đông Dương và thả dù từ 100 đến 150 tấn xuống các nơi quân đội thực dân Pháp đang bị nguy. Đế quốc Mỹ lại cử 250 huấn luyện viên quân sự và nhân viên kỹ thuật (thật ra là nhân viên quân sự) sang trực tiếp nắm quyền chỉ huy chiến tranh Đông Dương.

Đế quốc Mỹ viện trợ cho thực dân Pháp và can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương nhằm mục đích thay chân Pháp thống trị Đông Dương, vơ vét của cải của nước ta, biến nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng. Ngày 13-1 năm nay, Đalét, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã tuyên bố chầy bửa như sau: “Đứng về chiến lược, quyền lợi của Mỹ ở vùng Viễn Đông gắn chặt với các đảo ở bờ biển vùng đó. Các đảo đó có hai cứ điểm ở trên lục địa: phía bắc là Triều Tiên và phía nam là Đông Dương. Giữa hai cứ điểm đó là các đảo Nhật Bản, Lưu Cầu, Ôkinaoa, Đài Loan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan...”. Thì ra, chúng dám nói toạc ra là chúng muốn thôn tính những nước nói trên trong đó có nước ta.

Vũ khí và đôla “viện trợ” của Mỹ mở đường cho chúng xâm nhập về kinh tế, hất cẳng Pháp để tước đoạt những tài nguyên phong phú của nhân dân Đông Dương. Hiệp ước viện trợ quân sự ngày 23-1-1950 ký giữa Mỹ, thực dân Pháp và những chính phủ bù nhìn ở Đông Dương lúc ấy, có ghi rõ một khoản là “phải giao cho Mỹ những nguyên liệu và những sản phẩm mà Mỹ cần, vì trong nguồn tài nguyên của Mỹ không có hay chưa khai thác được” (Điểm 2, khoản 1 trong hiệp ước đó).

Ở Đông Dương hiện nay có những công ty độc quyền lớn của Mỹ như 2 công ty dầu hoả, Công ty phốtphát Phơlôriđa, Công ty thép Bétlem. Hiện nay, các hãng độc quyền Mỹ chiếm những vị trí quan trọng trong nền kinh tế Đông Dương (ở vùng quân Pháp tạm đóng), nhất là trong công nghiệp quặng mỏ. Trong các công ty Pháp - Mỹ đã thành lập như “Công ty Đông Dương”, Công ty “đầu tư tại Đông Dương”, Công ty “Nam Hoa”, Công ty “thuỷđiện Nam Hoa”, v.v., tư bản của Mỹ dần dần gạt tư bản của Pháp ra ngoài. Nhiều công ty như: “Công ty mới sản xuất phốtphát Bắc Kỳ”, Công ty “tìm và khai thác quặng Đông Dương”, v.v. phụ thuộc hẳn vào bọn tư bản độc quyền Mỹ. Tại những nơi khai thác bạc và chì trước kia nằm trong những công ty hỗn hợp Pháp - Việt nay đã hoàn toàn rơi vào các công ty Mỹ. Đầu năm 1952, công ty cao su Mỹ có 65% cổ phần trong công ty Misơlanh của Pháp. Hiện nay công ty Mỹ đã có những đồn điền cao su rộng 17 nghìn mẫu tây. Những hãng thầu về đường sá, cầu cống của Mỹ dần dần nắm lấy việc thầu đắp đường, xây trường bay và làm cầu. Công ty điện thoại, điện tín Moócgăng của Mỹ đã hoàn toàn gạt hẳn công ty Pháp “Dụng cụ điện thoại” ra khỏi Đông Dương. Ở Lào, các công ty của Mỹ đang tìm và khai thác các mỏ ở tây - bắc Viêng Chăn. Những đồn điền cao su ở Lào và ở Cao Miên trước thuộc nhóm Rivô của Pháp nay đã sang hẳn tay công ty Mỹ “Goócvích”.

Qua những việc nói trên, ta thấy rõ đế quốc Mỹ có âm mưu nham hiểm xâm lược các nước Đông Dương. Những việc nói trên lại nói rõ cái tình nghĩa của đế quốc Mỹ đối với “ông bạn” Pháp của chúng như thế nào...

* * *

Sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn, nhưng chúng không thể ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương đánh cho bọn xâm lược những đòn chí tử, không ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương giành những thắng lợi oanh liệt và nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng.

Tuy đã bị thất bại nhục nhã ở Đông Dương, nhưng chứng nào vẫn giữ tật ấy, đế quốc Mỹ chưa chịu bỏ mộng xâm lược Đông Dương.

Nhân dân Việt Nam đoàn kết với nhân dân Khơme và Lào, được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ sẽ tiếp tục đập tan những âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.

T.L.

----------

- Báo Nhân Dân, số 294, ngày 20-12-1954, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 187-190.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.