Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.

Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ.

Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

Từ xưa đến nay, có bao giờ bọn phong kiến, tư bản, đế quốc, thực dân tự phê bình và để người khác phê bình chúng không? Không! Bởi vì chúng không muốn mà cũng không thể sửa chữa khuyết điểm căn bản của chúng là chế độ người bóc lột người. Hơn nữa, ai phê bình thì bị chúng khủng bố. Chỉ có nhân dân dám phê bình chúng bằng cách mạng đánh đổ chúng.

Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được.

Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Thí dụ: Nhân dân ta mạnh dạn phê bình. Đó là một điều rất tốt. Thế là dân chủ thật sự. Nhưng khi phê bình, chúng ta cần phải:

- Xét rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, những khó khăn - Như: Nước ta bị phong kiến thống trị hàng nghìn năm, bị thực dân áp bức bóc lột gần 100 năm, chiến tranh tàn phá suốt 15 năm, miền Bắc giải phóng chưa đầy hai năm, hạn lụt liên tiếp, v.v..

- Kiểm điểm thành tích - Cải cách ruộng đất căn bản thắng lợi, gần 8 triệu nông dân có ruộng cày, hơn 386 vạn nông dân đã vào nông hội, 14 nông giang lớn và 3.600 cây số đê đã được xây đắp, tu bổ. Chúng ta đã khôi phục nhiều xí nghiệp cũ và xây dựng một số nhà máy mới, đã đắp lại hơn 500 cây số đường xe lửa. Nhiều trường học được mở thêm, chỉ trong mấy tháng đã hơn 2 triệu đồng bào thanh toán nạn mù chữ...

- So với thời gian non hai năm, thì những thắng lợi căn bản ấy không phải là ít; nhưng khuyết điểm chắc cũng có nhiều (Có khi khuyết điểm là cái bóng của thành tích).

Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta.

Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 874, ngày 26-7-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.386-387.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.