Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng.

Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ lời phê bình của người khác.

Đối với tự phê bình và phê bình, có 3 thái độ khác nhau:

- Những đồng chí giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác, các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa. Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà lại không chịu sửa đổi, thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang.

Chúng ta phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy.

- Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi.

Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

- Thái độ của một số khá đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hòa”. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình - nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những “khó khăn khách quan” để tự biện hộ. Nói tóm lại: Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất “mácxít”, nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do.

Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân; nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân hoặc nặng hoặc nhẹ. Họ sợ mất “thể diện”, mất “uy tín”. Họ quên rằng không thực hiện tự phê bình và phê bình, thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng thành khuyết điểm to, nó sẽ rất tai hại cho công tác.

Chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí này. Các tổ chức của Đảng thì cần mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình - nhất là phê bình từ dưới lên. Toàn thể đảng viên - trước hết là các cán bộ phụ trách - phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 468, ngày 14-6-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.521-522.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.