Những nhà giàu kếch xù, vừa là tư bản bóc lột lao động, vừa là quan lại bóc lột nhân dân, như bọn Tống Tử Văn (anh vợ Tưởng Giới Thạch), Khổng Tường Hy (anh rể Tống Tử Văn), khi Trung Quốc được giải phóng, thì bọn này đều cuốn gói chuồn ra nước ngoài. Bọn này thuộc vào hạng tư sản quan liêu hại dân phản nước.
Hiện nay, giai cấp tư sản Trung Quốc là những nhà công thương nghiệp. Họ thấy rằng nền kinh tế quốc dân đã đi vào con đường xã hội chủ nghĩa, nông thôn đã hợp tác hóa tức là cũng đã tiến vào con đường xã hội chủ nghĩa, thì tư sản ở thành thị không thể cứ kinh doanh theo con đường cũ. Họ thấy rằng tương lai của họ và con cháu họ không thể tách rời tương lai của Tổ quốc và của nhân dân, mà tương lai của Tổ quốc và của nhân dân là chủ nghĩa xã hội. Họ lại thấy rằng những nhà tư sản đã được Chính phủ giúp đỡ, thì giải quyết được nhiều khó khăn và sản xuất được phát triển mạnh. Vì những lý do đó, cộng với tinh thần yêu nước, mà các nhà công thương Trung Quốc đã vui lòng thực hiện công tư hợp doanh để được cải tạo theo chủ nghĩa xã hội.
Trung Quốc hiện có độ một triệu 30 vạn người thuộc giai cấp tư sản. Trong số đó độ 70 vạn người tiếp tục giúp việc ở các xí nghiệp đồng thời được Chính phủ chia cho một số lãi nhất định. Trong cuộc chỉnh phong, họ cũng hăng hái tham gia.
Tôi xin nêu các nhà công thương ở ba thành thị lớn làm thí dụ:
Sau những lớp học tập, những đợt thảo luận, những cuộc phê bình và tự phê bình dân chủ và sâu sắc.
15.000 nhà công thương Thượng Hải đã khai Đại hội và đề ra: Nội trong ba năm đến 5 năm, họ sẽ cải tạo thành người lao động “tự thực kỳ lực”[1] và họ thách các nhà công thương cả nước thi đua trong năm nay nhất định làm cho được những điều sau đây:
1- Ra sức tham gia chỉnh phong, cải tạo lập trường chính trị của mình;
2- Tự giác, tự nguyện tham gia lao động chân tay;
3- Đưa hết kỹ thuật và kinh nghiệm của mình làm cho xí nghiệp phát triển;
4- Sinh hoạt phải cần cù và tiết kiệm, lập tức hoặc dần dần xóa bỏ những đãi ngộ không hợp lý (Chính phủ có đặc biệt chiếu cố họ);
5- Mỗi người tự định lấy kế hoạch cải tạo của mình, mở rộng phê bình và tự phê bình, định kỳ hạn kiểm soát lẫn nhau.
Ở Đại hội, để tỏ ý chí của mình, nhiều người đã viết thư “quyết tâm” với những điểm rất thiết thực. Như hai vị tổng giám đốc nhà máy dệt và nhà máy diêm to nhất ở Thượng Hải đã ra lời thề: Quyết cải tạo thành người lao động chân chính, càng sớm càng hay. Đặt thời giờ nhất định, để lao động hoặc ở nhà máy, hoặc ở nông thôn.
Các nhà công thương ở khu Phô Đà, ngoài việc thực hiện năm điều nói trên, còn nhận năm nay sẽ mua công trái 20% nhiều hơn năm ngoái.
Sau Đại hội, với trống rung cờ mở, họ đã vui vẻ rầm rộ đi tuần hành các đường phố, để sáu triệu nhân dân Thượng Hải chứng kiến quyết tâm của họ.
- Cũng trong thời kỳ đó, 9.000 nhà công thương Bắc Kinh đề ra năm điều:
1- Quyết tâm cải tạo lập trường chính trị của mình, thật thà tiếp thu sự lãnh đạo của Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội;
2- Kiên quyết học tập anh em công nhân ở xí nghiệp mình, coi xí nghiệp như nhà mình, ra sức tiến bộ nhảy vọt;
3- Ra sức tham gia lao động trong xí nghiệp; đồng thời cùng cán bộ và công nhân về nông thôn, ra sức giúp đỡ sản xuất nông nghiệp, quyết tâm lấy lao động để tự cải tạo mình;
4- Tranh thủ nội trong hai năm sẽ thành người lao động “tự thực kỳ lực”;
5- Sửa đổi cách sinh hoạt tư sản, xây dựng một tác phong gian khổ và chất phác.
Trước Đại hội, ông Lạc Tùng Sinh, Chủ nhiệm Hội công thương Bắc Kinh, nói: “Chúng ta phải biết rằng giai cấp tư sản cần phải bị xóa bỏ; nhưng người tư sản thì có thể cải tạo. Chỉ cốt chúng ta bỏ lập trường tư bản chủ nghĩa, ra sức lao động, từ người bóc lột cải tạo thành người lao động “tự thực kỳ lực”, thì tiền đồ của chúng ta rất là vẻ vang”.
- 30.000 nhà công thương Thiên Tân đã đề ra năm điều:
1- Đánh đổ lập trường tư bản chủ nghĩa, xây dựng lập trường xã hội chủ nghĩa; lột bỏ cách lên mặt đi, mở mang tư tưởng ra; tự kiểm thảo một cách sâu sắc, cải tạo tận xương tận tủy; người người cùng tiến bước, bước bước hướng về phía ta;
2- Khắc phục bệnh bảo thủ và nạn lãng phí, tự động đốt cháy hết tất cả mọi sai lầm về thái độ chính trị và thái độ công tác; kiên quyết kiểm thảo thái độ tiêu cực và thái độ thiếu trách nhiệm trong tư tưởng và trong việc làm;
3- Thật thà tiếp thụ sự lãnh đạo của Đảng, một lòng với Đảng, thực hiện triệt để chính sách của Đảng. Thật thà tiếp thụ sự giám đốc của công nhân. Thật thà học tập đạo đức chí công vô tư của giai cấp công nhân. Thực hành cần kiệm và chất phác. Cống hiến hết kỹ thuật, tài năng và lực lượng của mình cho công cuộc xây dựng Tổ quốc;
4- Ra sức học tập chính trị và thời sự, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Mỗi người tự đặt kế hoạch cải tạo của mình. Ba tháng kiểm tra lẫn nhau một lần. Phê bình lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ;
5- Ra sức tham gia lao động chân tay, cùng lao động với cán bộ và công nhân. Sinh hoạt phải cần và kiệm, dần dần theo kịp công nhân. Cố gắng thành người lao động chân chính càng sớm càng hay.
Họ nêu bốn điểm để thách các nhà công thương cả nước thi đua:
a) Ai cải tạo lập trường chính trị nhanh hơn, tốt hơn;
b) Ai cống hiến nhiều hơn cho công cuộc sản xuất của Tổ quốc;
c) Ai lao động hăng hái nhất;
d) Ai sinh hoạt cần kiệm; chất phác nhất.
Trong những người viết thư quyết tâm, ông Dương Ngọc Văn, Phó Giám đốc kiêm Tổng công trình sư xưởng dệt, viết:
“Quyết hết lòng, hết sức phục vụ công cuộc sản xuất xã hội chủ nghĩa; cùng cán bộ và công nhân cả xưởng nâng cao chất lượng của vải và lụa. Trong năm nay, nghiên cứu làm thêm một thứ dệt mới. Ngày nào cũng đến phòng máy một thời gian để học thêm kinh nghiệm của công nhân già”.
Cũng như Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố khác, sau Đại hội, các nhà công thương Thiên Tân tổ chức tuần hành khắp các phố phường.
Mấy thí dụ trên đây chứng tỏ rằng: Giai cấp tư sản Trung Quốc quyết tâm cải tạo, tiến bộ và quyết tâm thực hiện những chính sách của Đảng và Chính phủ. Và như ông Lạc Tùng Sinh đã nói: Tiền đồ của họ rất vẻ vang.
Trên đây là mấy thí dụ về việc cải tạo của các ông công thương. Bây giờ xin nêu vài thí dụ về việc cải tạo của các bà công thương.
Các bà công thương cũng rất hăng hái tham gia chỉnh phong, rất cố gắng và tiến bộ nhiều, như các bà ở Thiên Tân đã quyết tâm thực hiện mấy điểm sau đây:
1- Cải tạo tư tưởng một cách triệt để, mọi việc đều hướng về phía nhân dân, quyết tâm đứng về phía nhân dân;
2- Tham gia các hoạt động xã hội, như xây dựng trường học, mở vườn gửi trẻ, giúp đỡ các chị em phụ nữ lao động;
3- Sắp xếp việc chi tiêu trong gia đình một cách hợp lý, chống phô trương, lãng phí, xem trọng việc lao động trong gia đình, dạy dỗ con cháu cho quen gian khổ, chất phác;
4- Khuyến khích chồng con cải tạo tư tưởng để trở nên người lao động thật sự.
Ngoài những điều trên, các bà còn đặt mấy điểm thi đua một cách rất thiết thực như:
- Ai hăng hái hơn, quyết tâm hơn, tiến bộ nhanh hơn;
- 100% gia đình gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng;
- 90% gia đình có kế hoạch sinh hoạt rành mạch.
Và bây giờ xin nói đến các cậu, các cô công thương tức là con các nhà công thương đang làm việc ở các xí nghiệp.
Trong lúc cha mẹ tiến bộ, con em là lớp công thương thanh niên rất phấn khởi và cố gắng tiến bộ nhảy vọt. Thí dụ:
Hơn 1.200 thanh niên công thương ở Thiên Tân đã thông qua kế hoạch cải tạo như sau:
1- Suốt đời nghe lời Đảng và Mao Chủ tịch, kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, dâng cả quả tim cho Đảng. Học tập công nhân và nông dân, cải tạo lập trường chính trị một cách triệt để;
2- Tự động về nông thôn, lên miền núi, đến phòng máy, do lao động để cải tạo mình đến nơi đến chốn;
3- Chịu khó học tập, chịu khó rèn luyện, nội trong năm nay ít nhất cũng phải học thạo một nghề, chuẩn bị điều kiện để “tự thực kỳ lực”;
4- Cải tạo một cách triệt để thói quen sinh hoạt của giai cấp tư sản, chống tất cả những cách ăn uống, chơi bời phóng túng, và lãng phí phô trương. Phải thật sự cần và kiệm;
5- Ra sức tham gia cuộc chỉnh phong chống bảo thủ, chống lãng phí. Ra sức đóng góp vào bước tiến bộ nhảy vọt của xí nghiệp;
6- Mỗi người tự đặt kế hoạch cải tạo của mình và thật thà thực hiện nó. Mỗi tháng một lần kiểm tra và so sánh lẫn nhau. Đồng thời khuyên cha anh và bầu bạn cố gắng làm đầu tàu tự cải tạo trong giới công thương.
Những thí dụ trên đây làm nổi bật một điều, là các nhà công thương Trung Quốc, trai cũng như gái, trẻ cũng như già; đều vui vẻ nghe theo Đảng, hăng hái cải tạo mình theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Để đạt kết quả tốt đẹp ấy, họ đã kinh qua những đợt học tập thảo luận, liên hệ, đấu tranh, phê bình và tự phê bình. Thí dụ: từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 6 năm nay, họ có cuộc vận động “giao tâm” nghĩa là dâng quả tim cho nhân dân, cho Đảng. Trong cuộc vận động ấy, ai có tư tưởng hoặc hành động gì sai lầm đều tự động thật thà nói ra hết, để trút gánh nặng tinh thần, để cải tạo một cách triệt để. Trong hai tháng, các nhà công thương Bắc Kinh đã tự nêu ra hơn sáu triệu điều sai lầm. Cuộc Đại hội của 8.000 nhà công thương kết thúc đợt ấy, và bắt đầu vận động đợt thứ hai nhằm “tự mình phê phán để tự cải tạo một cách nhanh chóng, nghiêm túc, thật thà, sâu sắc và triệt để”.
So sánh số người và tiền bạc, thì giới công thương Trung Quốc nhiều hơn giới công thương Việt Nam ta. Nhưng so sánh sự hiểu biết và tinh thần yêu nước, thì giới công thương ta chắc không chịu thua kém giới công thương Trung Quốc. Ông Bùi Đức Miên, đại biểu Hội Liên hiệp công thương Thành phố Hà Nội, đã nói trước hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
“Giới công thương chúng tôi càng thấm thía phương châm cải tạo của Đảng Lao động Việt Nam, hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của công thương nghiệp tư bản tư doanh chúng tôi... Nếu Đảng tăng cường giáo dục, nếu nhân dân giám sát càng kỹ lưỡng, và bản thân công thương chúng tôi cố gắng, thì công cuộc cải tạo hòa bình càng có khả năng thực hiện... Và chúng tôi rất biết ơn Đảng đã đề ra chính sách hợp tình và nhân đạo đối với giới công thương nghiệp tư bản tư doanh chúng tôi, là chính sách cải tạo hòa bình để dìu dắt chúng tôi lên chủ nghĩa xã hội”.
Ông Miên nói tiếp: Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì “người tư sản dân tộc cũng có nhiều cái mất, mà cái mất to lớn nhất là mất cuộc đời nô lệ, mất những tập quán xấu của phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa, mất lề lối làm ăn “nhất bản vạn lợi” và đồng thời cũng mất cả cái thành kiến của nhân dân đối với lề thói kinh doanh lạc hậu của mình. Còn về phần được thì người công thương cũng có nhiều cái được, mà cái được sâu sắc, vẻ vang nhất là địa vị chủ nhân đất nước, là được hòa mình trong nhân dân, cùng nhân dân tham gia xây dựng xã hội mới và hưởng thụ thành quả của cách mạng”.
Chắc rằng đó là ý nguyện của đại đa số trong giới công thương ta. Nhưng tiếc rằng còn có những con chiên ghẻ lẫn lộn trong giới công thương ta, để bôi nhọ giới công thương ta. Chúng đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận, như các báo Hà Nội 30-6-1958 đã đăng tin:
“Trong sáu tháng đầu năm 1958 đã phát hiện được 12.491 vụ lậu thuế, trị giá hơn năm tỷ. Có nhiều vụ lậu rất tinh vi, câu kết giữa buôn chuyến và xuất nhập khẩu, trốn thuế hàng chục triệu đồng... Có vụ bán lén lút từ 120 đến 150 lạng vàng...”.
Tục ngữ nói: “Một người làm xấu, cả bậu mang dơ”. Bọn chúng đã làm cho cả giới công thương ta mang tiếng. Mong rằng giới công thương ta cũng làm như giới công thương nước bạn, nghĩa là: tự động, tự giác, trong giới mình tự giáo dục, tự kiểm soát, tự cải tạo, tự làm cho giới mình trong sạch và tiến bộ. Các nhà công thương ta làm được như vậy tức là chuẩn bị tốt cho việc cải tạo theo chủ nghĩa xã hội.
TRẦN LỰC
---------------------
[1]. Tự thực kỳ lực: Ăn bằng cái tự làm được (B.T).
- Báo Nhân Dân, số 1589-1599, ngày 28, 29-7-1958, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.454-461.