Chuyện Trung Quốc

Phong trào thi đua sản xuất đang lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân. Sau đây là vài ví dụ: [1]

Hiện nay, các cơ quan Trung ương Đảng cũng nấu sắt, nấu gang, dưới khẩu hiệu: “Tôi luyện gang thép để tôi luyện tư tưởng”. Nhiều đồng chí Trung ương, như đồng chí Trần Bá Đạt, Ủy viên dự bị Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Tuyên huấn đã cùng anh em trong Bộ phấn đấu, sau hai ngày hai đêm, xây xong lò và đã nấu được gang.

Nữ đồng chí Soái Mạnh Kỳ, ngoài 60 tuổi, Ủy viên dự bị Trung ương kiêm Thứ trưởng Bộ Thanh tra cũng hăng hái tham gia.

Để tự cung cấp nguyên liệu, Bộ Tổ chức, Bộ Tài chính và Bộ Thanh tra của Trung ương đã phát động phong trào nhặt sắt vụn. Trong năm hôm đã nhặt được hơn 10.000 kilô. Họ đang chuẩn bị một lò làm than cốc, mỗi ngày sẽ sản xuất hơn hai tấn.

Nhờ phong trào ấy, mà có những huyện như huyện Liễu Thành (Liễu Châu, Quảng Tây), mỗi ngày sản xuất hơn 86.200 tấn than, tức là mỗi năm hơn 31 triệu tấn, và có những công nhân như anh Tạ Đức Mai, mỗi ngày đào được 16 tấn.

Viện an dưỡng Hồ Nam có 193 đồng chí thương binh hạng nặng. Họ không chịu ngồi không, và kiên quyết đòi tham gia sản xuất. Họ nói: Trước kia vì chủ nghĩa xã hội mà chiến đấu và bị thương; ngày nay vì chủ nghĩa xã hội mà cố gắng tham gia sản xuất. Họ nêu khẩu hiệu:

Không sợ sức ít, tuổi nhiều,

Không sợ thân thể sứt mẻ.

Tuổi già, biến thành tuổi trẻ.

Thương nặng biến thành thương nhẹ.

Mặc dù cụt tay, què chân,

Quyết làm anh hùng hai lần!

Những người như đồng chí Triệu Khải Thanh, cụt hai tay, thì làm việc gánh bao tải cho xưởng dệt đay của Viện. Đồng chí Dương Tây Phương cụt hai chân, thì đánh dây đay. Đồng chí Triệu Vĩnh Tường, mù hai mắt mà đã học chữa được máy dệt.

Các đồng chí thương binh còn vỡ đất hoang, nuôi gà, nuôi lợn, nấu gang. Kết quả là năm nay, Viện tự túc được một phần và năm sau sẽ tự túc toàn bộ.

- Năm nay Trung Quốc được mùa to. Nhưng vì thực hành tiết kiệm, nhân dân không lãng phí một hạt thóc, một hạt ngô. Khi gặt xong, họ tổ chức “mót lúa”. Như ở khu Bạch Âm (Nội Mông Cổ), 1.900 em học sinh trường tiểu học, do các cô giáo và thầy giáo lãnh đạo, chia làm 94 tiểu tổ, mỗi ngày “đi mót” hai, ba giờ đồng hồ. Trong bốn ngày, các em đã nhặt được hơn 6.700 kilô lúa.

Các nơi khác cũng làm như vậy. Các em và các cô giáo, thầy giáo vừa làm vừa hát:

Mỗi bông lúa,

Đều là của.

Tích thiểu thành đa,

Bán cho nước nhà,

Góp phần xây dựng

Tổ quốc chúng ta.

Nhờ tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, cho nên nhiều nơi, như toàn tỉnh An Huy, năm nay bình quân mỗi người được 850 kilô lương thực.

- Ở nông trường quốc doanh Tuyên Thành (Hồ Bắc), công nhân và cán bộ tuyên thệ trước bức ảnh Mao Chủ tịch: “Chúng tôi quyết tâm làm ruộng thí nghiệm thật tốt, và tranh thủ vụ mùa mỗi mẫu tây 15 tấn, để được đi Bắc Kinh gặp Mao Chủ tịch”.

Ba em bé con công nhân: Kim Lâm sáu tuổi, Thành Công bảy tuổi và cô bé Kim Liên tám tuổi, cũng bắt chước tuyên thệ. Các em không biết “ruộng thí nghiệm” là gì, nhưng biết rằng làm tốt thì được đi gặp Bác Mao.

Các em này xin mãi, đồng chí Nguyễn, cán bộ kỹ thuật cho các em một miếng đất gần bên đường cái. Thấy các em hì hục cả buổi mà chỉ cuốc được một góc, đồng chí Đinh, đoàn viên thanh niên, cày giúp. Sau đó, dưới sự chỉ huy của em Liên, người lớn cấy, các em cũng bắt chước cấy; người lớn bón phân, các em cũng bón phân... Các em rất chăm chỉ. Kết quả là miếng ruộng nhỏ ấy đã gặt được 625 kilô, tức là mỗi mẫu tây được 54 tấn 405 ki-lô! Công nhân và cán bộ đã tặng ba em mấy câu:

Trẻ em cũng là anh hùng

Làm ruộng thí nghiệm thành công

Một mẫu năm mươi bốn tấn

Ai bảo trẻ em không thông.

- Đội sản xuất Thật Dường (trước đây là một hợp tác xã nông nghiệp), trong công xã Thương Du (Quảng Tây) có một nhà nuôi 118 cụ ông và cụ bà, ngoài 70, 80 tuổi. Sau vụ chiêm vừa qua, hơn 60% trai tráng đi nấu gang thép và làm thủy nông. Thấy đội neo người, các cụ mời đồng chí bí thư chi bộ đến và hỏi: Vì sao không để các cụ tham gia lao động. Các cụ nói: “Làm việc nhẹ có ích cho sức khoẻ; người già nhiều kinh nghiệm, có thể giúp cho con em”.

Sau một cuộc thảo luận sôi nổi, toàn thể đồng ý lập thành mười “tiểu tổ Hoàng Trung”, Hoàng Trung là người đời Tam Quốc, rất anh dũng, đã 70 tuổi mà vẫn dùng con dao nặng 80 cân để đánh giặc. Vì vậy, các cụ thích Hoàng Trung. Mỗi tổ phụ trách một việc, như nuôi trẻ, trồng rau, chăn trâu,… Các cụ thi đua rất hăng, và mọi việc đều tiến bộ. Nhiều cụ nói: “Bây giờ ngồi rảnh một chốc thì đã thấy xôn xao”. Vậy có thơ rằng:

Những mẩu chuyện này tầm thường,

Song ý nghĩa nó không nhỏ,

Phong trào lao động tưng bừng,

Cả nước tung bay cờ đỏ.

T.L.

-----------------------

[1]. Tài liệu của Nhân Dân Nhật báo.

Báo Nhân Dân, số 1686, ngày 25-10-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.