Truyền thống "Điện Diên Hồng" là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta.

Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ.

Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta có những đội du kích "bạch đầu quân". Sự chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt của những "đội viên tóc bạc răng long" đã làm cho lũ giặc kinh hồn và khuyến khích chiến sĩ ta càng thêm dũng cảm. Các cụ đã góp phần không nhỏ vào cuộc thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, các cụ cũng tham gia rất hăng hái. Ví dụ:

Các cụ phụ lão ở Nam Định, nhất là ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh... đã ra sức tham gia công việc tổ chức và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Trong phong trào sản xuất vụ mùa thắng lợi, huyện Ý Yên có 99 cụ đã được bầu là "kiện tướng" làm phân. Đặc biệt cụ Tuyên đã làm được gần 7 tấn.

Các cụ phụ lão ở huyện Trực Ninh đã xung phong làm thủy lợi hơn 4.000 ngày. Cụ Hiện, năm nay 73 tuổi, đã làm luôn một chuyến 13 ngày.

Trên mặt trận văn hóa, các cụ đã góp sức nhiều trong phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa. Các cụ đã tổ chức những nhóm đỡ đầu nhà trường và ngày nào cũng lo đôn đốc con cháu đi học. Có những cụ đã quyên cả "áo thọ" của mình cho các lớp học đóng bàn ghế. Cụ Nguyễn Đức Âu (xã Trực Định) đã bán một cái nhà lấy tiền (500 đồng) để giúp xây dựng nhà trường.

Những việc cảm động như vậy các nơi thường có.

Chúng ta nhiệt liệt hoan hô các cụ, chúc các cụ mạnh khỏe và sống lâu để đôn đốc con cháu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy có thơ rằng:

Càng già, càng dẻo lại càng dai,

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai.

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,

Vuốt râu mừng xã hội tương lai.

T.L.

------------------

- Báo Nhân Dân, số 2387, ngày 1-10-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.691-692.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.