Gần một trăm năm nay, đại tư bản Mỹ làm chúa kinh tế của các nước châu Mỹ Latinh.

Cu Ba lại là miếng mồi gần gũi nhất (chỉ cách Hoa Kỳ 150 cây số) và béo bở nhất của Mỹ. Các chủ đồn điền Mỹ đã chiếm hết 1.200.000 mẫu tây ruộng tốt của Cu Ba, và các ngành kinh tế Cu Ba đều do chúng chi phối.

Cách mạng Cu Ba thành công, Mỹ đã mất kho vàng đó. Hơn nữa, Cu Ba cách mạng là một hòn núi lửa, sớm muộn nó sẽ cháy lan đến các nước châu Mỹ Latinh. Vì vậy đế quốc Mỹ muốn bóp cổ Cu Ba cách mạng.

Mấy năm đầu, Mỹ vừa tẩy chay Cu Ba, vừa bồi dưỡng bọn người Cu Ba phản quốc. Tháng 4-1961, Mỹ đẩy bọn này đánh úp vào Cu Ba. Nhưng bọn phản quốc đã bị nhân dân Cu Ba đập tan. Thế là đế quốc Mỹ đã thất bại nhục nhã.

Ngay sau đó, hôm 18-5-1961, một tờ báo Nam Mỹ để lộ rằng: “Tổng Ken đã ra lệnh đẩy mạnh việc mộ lính đánh thuê và chuẩn bị cuộc xâm lược lần thứ hai”. Chúng lập ở Mỹ 29 căn cứ huấn luyện quân sự và đặc vụ cho bọn lính đánh thuê, và 52 chỗ ở 7 nước chung quanh Cu Ba. Đồng thời chúng bố trí quân đội Mỹ sẵn sàng. Kế hoạch của Mỹ là bao vây Cu Ba, rồi:

- Bước 1 - Tiến công bất thình lình.

- Bước 2 - Càn quét và tiêu diệt lực lượng cách mạng Cu Ba.

- Bước 3 - Chiếm giữ Cu Ba.

Mỹ định âm mưu thâm độc ấy, dù nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngày 22-10-1962, Mỹ mượn cớ rằng vì Cu Ba có tên lửa và máy bay quân sự (do Liên Xô giúp), cho nên Cu Ba đang đe dọa Mỹ. (Cu Ba bé nhỏ có 7 triệu người mà đe dọa Mỹ khổng lồ có 180 triệu người. Thật là vô lý!).

Tổng Ken bèn ra lệnh bao vây Cu Ba; và tất cả hải, lục, không quân Mỹ ở các nơi phải sẵn sàng chiến đấu.

Kết quả đầu tiên là, từ hôm đó nhân dân Mỹ ở vào tình trạng khủng hoảng. Đài phát thanh Mỹ khuyên nhân dân tích trữ lương thực và chuẩn bị hầm trú ẩn. Binh lính canh gác những nơi quan trọng. Học trò các trường tập báo động. Các bà mẹ cuống cuồng, lo không biết sơ tán con mình đi đâu. Những em bé hoảng sợ hết hồn, tối nào cũng ôm chặt nhau mà ngủ, chúng nói “nếu chết thì chết cùng nhau!”. Cả ngày, các báo tiếp được hàng vạn lần dây nói với câu hỏi hoảng sợ: “Thế nào? Có tin gì mới?”.

Nhiều thành phố lớn ở Mỹ có những cuộc biểu tình chống chiến tranh với Cu Ba, do các giáo sư và học sinh cùng phụ nữ tiến bộ tổ chức.

Nhân dân Mỹ da đen cũng rục rịch, bênh vực Cu Ba.

Mặc dù Mỹ trắng trợn đe dọa, Cu Ba anh hùng vẫn bằng chân như vại. Đã mấy năm nay, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phiđen Caxtơrô, nhân dân Cu Ba luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc của mình. Từ ngày 22-10, thanh niên gái và trai cùng công nhân và nông dân đều tự động vác súng ra mặt trận. Gia đình họ tự động bảo đảm công việc sản xuất ở nhà máy và nông trường. Các em bé thì tự động làm những công việc nhẹ... Mọi người quyết tâm kháng chiến đến giọt máu cuối cùng, biến Cu Ba thành mồ chôn bọn đế quốc xâm lược.

Trước ý chí kiên quyết của Cu Ba, trước thiện chí hòa bình của Liên Xô và trước sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ khắp thế giới đối với Cu Ba, đế quốc Mỹ phải chùn bước. Ngày 20-11-1962, Tổng Ken buộc phải đình chỉ cuộc bao vây Cu Ba bằng quân sự và hứa không xâm lược Cu Ba nữa. Thế là Mỹ lại không thực hiện được âm mưu mới của chúng.

Hiện nay “tuy đã tránh được cuộc xung đột quân sự, nhưng vẫn chưa có hòa bình”. (Lời tuyên bố của Chính phủ Cu Ba, 25-11-1962).

Để giải quyết nguy cơ chiến tranh, Mỹ phải thi hành 5 điểm do Cu Ba đề ra là: (1) Đình chỉ bao vây kinh tế Cu Ba. (2) Chấm dứt mọi hành động lật đổ chống Cu Ba. (3) Đình chỉ những cuộc khuấy rối Cu Ba. (4) Chấm dứt sự xâm phạm vùng trời và vùng biển Cu Ba. (5) Rút căn cứ quân sự Mỹ ở Guantanamô và trả đất ấy lại cho Cu Ba.

5 điều hợp tình hợp lý đó được sự ủng hộ nhiệt liệt của Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cùng các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Mỹ muốn tốt thì phải thi hành 5 điều đó!

Nhân dân Việt Nam ta và nhân dân Cu Ba anh em cùng có một kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Cho nên chúng ta hết sức đồng tình và ủng hộ anh em Cu Ba. Cu Ba anh hùng là một tấm gương chói lọi cho các dân tộc bị áp bức. Một lần nữa nó chứng tỏ rằng: Khi phải đương đầu với kẻ địch hung ác, một dân tộc dù bé nhỏ, nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, thì cuối cùng nhất định thắng lợi.

T.L.

-------------------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3175, ngày 4-12-1962, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.508-510.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.