Sân bay Biên Hòa vừa là một sân bay "bí mật nhất", vừa là một trong ba sân bay to nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Chung quanh sân bay dày đặc mấy lớp dây thép gai có điện. Ngoài thì có bãi mìn. Ngoài nữa là những "ấp chiến lược". Bên trong có nhiều tháp canh. Mấy tiểu đoàn lính Mỹ và lính ngụy cùng chó ngao ngày đêm canh gác. Bọn Mỹ cho đó là một sân bay tuyệt đối vững chắc, "trời cũng không làm gì được".
Thế mà đêm 31-10-1964, trường bay đó đã bị một đội du kích miền Nam đánh tan tành. Thắng lợi đó đã vang ầm thế giới. Bạn ta thì phấn khởi vui mừng, bọn Mỹ thì hoang mang kinh sợ. Thí dụ:
- Báo Sao đỏ (Liên Xô) viết: "Đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh bẩn thỉu, và rút hết lực lượng xâm lược ra khỏi miền Nam Việt Nam". Các báo Trung Quốc đều nhiệt liệt hoan hô thắng trận Biên Hòa và viết: "Ở Nam Việt Nam, việc Mỹ thất bại nhất định không thể tránh khỏi". Báo Anmana ở Irắc viết: “Du kích đánh vào sân bay Mỹ ở Biên Hòa chứng tỏ rằng không lực lượng nào ngăn được bước tiến của cách mạng Nam Việt Nam".
- Các báo phương Tây thì mỉa mai Mỹ. Báo Anh viết: Trận Biên Hòa "đối với Mỹ là một đòn rất đau về quân sự cũng như về chính trị... Đó là một hành động đốt râu chú Sam...". "Đó là một vố sấm sét giáng vào uy tín Mỹ". Báo Pháp Lơ Phigarô viết: "Biên Hòa gần Sài Gòn mà du kích đã đánh được, thì họ có thể đánh bất cứ nơi nào". Báo Nhân đạo viết: "Thắng trận của du kích ở Biên Hòa đã chứng tỏ rằng dù bọn đế quốc dùng cách gì cũng không thể thành công trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, chứng cớ ấy càng hùng hồn vì ở Nam Việt Nam là một cuộc đọ sức giữa một đế quốc rất mạnh với một xứ bé nhỏ nhưng mà anh dũng".
- Dư luận Mỹ thì rất bi. Báo thì viết: "Đó là một cuộc tập kích cực kỳ tai hại cho Mỹ". Báo thì viết: "Trận này làm cho Mỹ mất cả mặt. Nếu ở vào địa vị Tổng Giôn, Taylo, v.v. thì chúng tôi phải đỏ mặt tía tai". Báo thì viết: "Việt cộng đã giành được một thắng lợi đột xuất... Người Mỹ chúng ta ở đó còn làm được việc quái gì nữa!...". Thời báo Nữu Ước viết: "Du kích đánh vào sân bay Biên Hòa nhanh chóng và trúng đích một cách làm cho người ta phải kinh ngạc. Cuộc chiến tranh chống Việt cộng bây giờ tuyệt vọng hơn bao giờ hết... Dù Mỹ bỏ vào bao nhiêu sức người và tiền bạc cũng không ngăn được thế đang tiến lên của Việt cộng". Luận đàm Nữu Ước viết: "Người Mỹ chúng ta hiện đang bị thất bại nhiều hơn bao giờ hết".
Những lời thú nhận của tướng tá và chính khách Mỹ cũng thú vị. Ví dụ: tên Tổng tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn nói: "Du kích đã dùng súng cối Mỹ bắn lại quân đội Mỹ và máy bay Mỹ!". Níchxơn, cựu Phó Tổng thống Mỹ, thì thú nhận rằng: "Cuộc thất bại ở Biên Hòa là một tai họa to nhất cho Mỹ từ sau cuộc thất bại to lớn ở cảng Trân Châu" (cảng Trân Châu là một căn cứ to nhất của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, bị Nhật Bản đánh chiếm cuối năm 1941).
Cuộc thắng lợi ở Biên Hòa rất lừng lẫy mà cũng rất giản đơn:
Chín chiến sĩ Quân giải phóng mò đến gần sân bay Mỹ 800 thước, bắn độ 100 phát súng cối của Mỹ vào sân bay, sau 15 phút thì rút lui an toàn vô sự.
Kết quả là bắn tan 21 máy bay phản lực và 8 máy bay loại khác. Phá hủy 1 đài quan sát, 2 kho chứa dầu, 4 trại lính, 18 nhà sĩ quan. Giết 4 và làm bị thương 72 tên Mỹ.
Về số Mỹ chết và bị thương, một Thượng nghị sĩ Mỹ là Thớcmơn tuyên bố rằng: "Đến ba, bốn trăm Mỹ chết và bị thương, nhưng Chính phủ Mỹ đã che giấu sự thật".
Nếu cộng kết quả chiến đấu trong chín tháng đầu năm nay với cuộc thắng lợi Biên Hòa, thì càng thấy thắng lợi này to lớn. Trong chín tháng đầu năm, đồng bào miền Nam đã:
Tiêu diệt 83.000 địch (trong số đó có 625 "cố vấn" Mỹ),
Thu được 11.770 súng các loại,
Bắn rơi và bắn hỏng 660 máy bay,
Phá hủy hơn 3.100 "ấp chiến lược",
Giải phóng thêm 174 vạn đồng bào khỏi ách kìm kẹp,
Giác ngộ 58.000 binh sĩ ngụy bỏ hàng ngũ địch.
Trước trận Biên Hòa, dư luận Hoa Kỳ đã thấy tình trạng bi và bí của Mỹ. Như báo Tin tức Mỹ và thế giới đã viết: "Mỹ đang sụp đổ ở Nam Việt Nam cũng như đã sụp đổ ở Trung Quốc trước đây... Mỗi ngày Mỹ càng đến gần thất bại thảm hại... Phải chăng Mỹ đang nhanh chóng nhận lấy một Điện Biên Phủ ở Nam Việt Nam".
Chắc bà con còn nhớ rằng hồi tháng 3-1954, du kích ta phá 60 máy bay Pháp ở Cát Bi và 25 chiếc ở Gia Lâm, để báo hiệu cho cuộc đại thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Rất có thể trận thắng ở sân bay Biên Hòa báo hiệu một Điện Biên Phủ ở miền Nam, như tờ báo Mỹ đã nói.
Nếu muốn tránh thất bại nhục nhã như ở Điện Biên Phủ thì Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút ngay quân đội của chúng về nước mẹ, để nhân dân miền Nam giải quyết công việc nội bộ của họ, như Hiệp nghị Giơnevơ đã quy định.
Đồng bào miền Nam ngày càng đánh mạnh, càng mạnh càng thắng, nhưng không vì thắng mà kiêu, không chủ quan khinh địch, và tin chắc rằng cuối cùng thắng lợi nhất định về tay ta. Vậy có thơ rằng:
Uy danh lừng lẫy khắp năm châu,
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng[1],
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!
CHIẾN SĨ
--------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3878, ngày 12-11-1964, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.412-415.
[1]. Lầu trắng là nơi ở và làm việc của tổng thống Mỹ (BT).