"Uy tín" tổng Ken, tức là "uy tín" Mỹ ngày càng xuống dốc. Không phải là những người chống đế quốc Mỹ nói như vậy, mà chính là dư luận Mỹ và dư luận thế giới nói như vậy.

Sau một cuộc điều tra rộng rãi ở nhiều nước, tờ Tạp chí tư sản Mỹ Tin tức Mỹ và thế giới (18-9-1961) đã viết như sau:

- Ở các thủ đô các nước tư bản, kể cả thủ đô Mỹ, tổng Ken càng ngày càng bị thiên hạ phê bình. So với tám tháng trước đây (khi ông Ken mới lên làm tổng thống), thì danh giá của ông ta đã lu mù nhiều... Trong những lời người ta bình luận ông Ken, đều có một cảm giác thất vọng, như ảo tưởng của họ đã bị tiêu tan...

Tin tức từ cuộc hội nghị 25 nước trung lập (ở Bengơrát) càng tỏ rõ rằng: "Các lãnh tụ tham gia hội nghị ấy đều cho rằng từ ngày ông Ken làm tổng thống thì danh giá của Mỹ càng xấu thêm rõ rệt... Họ cho rằng ông Ken không phải là một vị tổng thống có năng lực, mà chỉ là một người nhu nhược đang bị chìm đắm dưới phong trào ông ta không hiểu biết và không khống chế nổi... Ông ta như một đứa trẻ con mà muốn làm công việc của một người lớn...

Nhất là từ khi cuộc xâm lược Cu Ba bị thất bại, thì "uy tín" của Mỹ ở châu Mỹ Latinh đã suy sụp đến mức thấp nhất...

Các quan lại và các báo chí Anh cũng đều nói: Khi hứa hẹn điều gì thì ông Ken nói "thao thao bất tuyệt" như mật rót vào tai. Nhưng y có thực hiện lời hứa hay là không - thì đáng nghi ngờ.

Dư luận ở Pháp và ở Ý đối với tổng Ken đều nghi ngờ như vậy.

Một tờ báo tư sản Anh đã viết một cách mỉa mai: "Điều nguy hiểm là ông Ken chỉ lo mở rộng biên cương xa xôi, mà để cho vườn mình đầy cỏ rác...".

Tạp chí Tin tức Mỹ và thế giới kết luận: "Thậm chí ở nước Mỹ, ở Quốc hội Mỹ, uy tín của ông Ken cũng ngày càng sa sút...".

"Thuyền thế nào, có sào thế ấy". Chế độ tư bản đế quốc càng suy sụp, thì những kẻ đầu sỏ của chế độ ấy cũng càng vu vơ. Điều đó không có gì lạ.

T.L.

---------------------------

Báo Nhân Dân, số 2740, ngày 22-9-1961, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.