Thời xưa, người phương Tây đối với người phương Đông rất hống hách. Họ “khạc ra lửa, thở ra khói” và đòi người phương Đông phải “cúc cung bái” họ.

Nhưng “thời đại bằng vàng” của đế quốc đã qua rồi. Người phương Đông đã vươn mình dậy, và không rụt rè trước người phương Tây nữa. Vài thí dụ:

- Vừa rồi, đô đốc Mông-ba-ten (người Anh) sắp sang chơi nước Đại-Hồi. Nhân dân Đại-Hồi tỏ ý không hoan nghênh. Đô đốc Anh phải thủ tiêu ngay cuộc du lịch ấy.

- Đại tướng Gơ-lúp (người Anh) giữ chức tổng chỉ huy quân đội nước Gioóc-đa-ni đã 20 năm nay. Hôm vừa rồi, Chính phủ và nhân dân Gioóc-đa-ni bất thình lình ra lệnh “hoan tổng”. Thế là đại tướng phải gấp rút “gút bay” khỏi Gioóc-đa-ni.

- Tuy vậy, ở đâu họ còn có thể “khạc ra lửa”, thì họ vẫn cứ khạc. Cách đây mấy hôm, quân đội Anh đã đày đức Giáo chủ Ma-ca-ri-ốt là người Hy Lạp ra khỏi đảo Sy-pờ-rờ là đất Hy Lạp; bởi vì giáo chủ là người yêu nước, đang lãnh đạo 40 vạn nhân dân Sy-pờ-rờ chống người Anh chiếm đóng đảo ấy làm căn cứ quân sự Anh.

Song bẽ mặt hơn nữa là những vố người phương Đông mới tặng cho đế quốc Mỹ:

- Hôm 29-2 và 4-3-1956, Cao Miên đã cảnh cáo Mỹ, đại ý nói: Mỹ chớ cậy có nhiều đô-la mà láo xược, can thiệp vào việc nội bộ của Miên. Không phải nhờ Mỹ giúp đỡ mà Miên được độc lập đâu. Trái lại, những việc rắc rối ở Miên đều do Mỹ gây ra!

- Hôm 9-3-1956, thực dân Pháp ở Tuy-ni-di (Bắc Phi) đã đập phá tan tành lãnh sự quán Mỹ và nhà thông tin Mỹ.

- Cũng hôm ấy, Ngoại trưởng Mỹ là Đa-lét đến Ấn Độ. Chính phủ Ấn đã điều động hơn 500 cảnh sát để bảo vệ Đa-lét, vì e nhân dân Ấn “hoan nghênh” y quá nhiệt liệt. Khi Đa-lét đến trường bay, ngoài các nhân viên chính phủ và anh em cảnh sát Ấn, thì chẳng có ai nữa. Các báo chí Ấn đã bày tỏ những lời “hoan nghênh” như sau:

“Nếu có ai phá hoại mối quan hệ Mỹ - Ấn, người ấy là Đa-lét”.(Ấn Độ thời báo)

“Chính sách ngoại giao Mỹ đã gây ra sự khó chịu mãnh liệt ở Ấn Độ… mà sự xích mích ấy đã hiện hình tại một con người đầy mâu thuẫn - là Đa-lét”. (báo Người chính khách)

Các báo khác đều viết: “Đa-lét là một người khách không ai ưa”.

“Đa-lét đã đưa chiến tranh lạnh đến gần các nước châu Á”.

“Đa-lét là một tên gây chiến, có âm mưu dùng người châu Á đánh người châu Á…”.

Đa-lét cũng lì lợm đến Sài Gòn. Ngoài bọn Ngô Đình Diệm, thì nhân dân và dư luận Việt Nam sẽ “hoan nghênh” y nhiệt liệt hơn nhân dân và dư luận Ấn Độ, vì Đa-lét và bè lũ tay sai của y đã tìm mọi cách để phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 740, ngày 13-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.