Trong việc phát động quần chúng, nói chung thì cán bộ ta đều hăng hái, chịu khó, làm đúng chính sách, có kết quả tốt.

Nhưng vẫn có một vài cán bộ phạm sai lầm, ảnh hưởng không tốt đến công tác. Vài thí dụ:

Ba cùng lở dở. Có cán bộ làm việc xóm này ăn cơm xóm khác. Hoặc ăn tại nhà bần nông, ngủ tại nhà trung nông. Hoặc cùng ăn, cùng ở, nhưng không cùng lao động với nông dân.

Bắt rễ sai lệch. Hoặc quá khắt khe: như ở vùng X. có hơn 500 đảng viên mà chỉ bắt rễ 48 người. Hoặc bắt rễ lu bù, không qua tố khổ, như ở xã L. chỉ trong một đêm đã có 52 rễ. Hoặc có ít báo nhiều, như đội Y.T. có 16 rễ mà báo cáo có 119 rễ!

Phát triển lung tung. Như xã H., một đêm kết nạp vào nông hội 80 người, trong số đó có 15 người vắng mặt! Ở xã L., một bà cụ già làm nghề chèo thuyền, cả đời không cày cấy, mà cũng được cử vào ban chấp hành nông hội!

Huấn luyện máy móc. Trong các lớp huấn luyện, cán bộ không gắn liền công tác thực tế với nội dung bài học, mà dạy theo cách “nhồi sọ”. Thậm chí có nơi như xã L.P. đã biến 229 người dự đại hội nông dân thành lớp học cho bần cố nông, dù trong số đó có những người thuộc tầng lớp khác và có 2 người đáng ngờ!

Lớp giải thích cho địa chủ ở M., địa chủ L. cho vợ lẽ đến thay mặt, địa chủ N. cho đứa con 13 tuổi đến thay mặt. Mà đội vẫn để vậy.

Quan liêu mệnh lệnh. Ở xã K., một trung nông được cử vào ban chấp hành nông hội. Đội trưởng tự ý bác đi, và đưa một bần nông (không được cử) vào thay thế.

Đảo lộn chính sách. Chính sách của Đảng và Chính phủ là: 1) Dựa vào bần cố nông; 2) Đoàn kết chặt chẽ với trung nông, rồi mới đến 3) Liên hiệp phú nông. Một số cán bộ đã làm ngược hẳn lại: trước hết và đặc biệt chú trọng điểm 3, mà quên bẵng hoặc để điểm 1 và 2 lại sau. Kết quả là ảnh hưởng không tốt.

Những khuyết điểm khác. Như nóng tính, bao biện, tự mãn, đại khái, kém điều tra nghiên cứu, kém tỉnh táo và kiên quyết đối phó với những hành động trái phép của địa chủ phản động, kém chú ý phát động thanh niên và phụ nữ.

Để sửa chữa những khuyết điểm trên đây, tất cả cán bộ ta cần phải: nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng.

C.B.
----------
- Báo Nhân Dân, số 143, từ ngày 21 đến ngày 25-10-1953, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.315-316.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.