Trong phát động quần chúng đợt 2, nhiều đội công tác đã biết kết hợp công việc phát động quần chúng với những công việc khác, như: lập tổ đổi công, đào mương đắp đập, thu thuế nông nghiệp, đào hầm trú ẩn, bình dân học vụ, v.v. đều có kết quả tốt.

Vài sáng kiến đáng nêu, như:

- Ở D.H., một thuyền gạo bị đắm, đồng chí đội trưởng liền họp nhân dân lại, và giải thích: “Gạo ấy là của Chính phủ, tức là của nhân dân”. Vì vậy, quần chúng không những hăng hái vớt hết gạo mà còn tự động đưa gạo ướt về ăn, đong gạo mới của mình trả cho Chính phủ để bộ đội được ăn gạo tốt.

- Ở M.A., đội đã giúp đồng bào bình nghị thuế công thương nghiệp. Trong 3 hôm, đã được 104 nhà trong 125 nhà tính xong, và vượt mức 400 phần trăm.

Đó là những ưu điểm. Nhưng vẫn còn nhiều nơi phạm những khuyết điểm như:

- Bệnh hình thức - Ở D.T., tuyên truyền rầm rộ, mọi người đeo khẩu hiệu trên ngực, nhưng vì cán bộ không giải thích, nhiều người không hiểu khẩu hiệu nói gì.

­- Bệnh bao biện - Ở A.N., họp đại hội phụ nữ, nhưng ban chấp hành phụ nữ không được hiểu rõ mục đích, nhiệm vụ và cách lãnh đạo hội nghị nên thiếu chủđộng, việc gì cũng do đội bảo nói hết.

- Bệnh quan liêu mệnh lệnh - Ở H.L., quần chúng không tán thành hai anh A và B vào nông hội, nhưng đội vẫn gò ép đưa vào cho kỳ được. Mấy hôm sau, hai người đó phạm lỗi, bị quần chúng đuổi ra. Ở A.N., quần chúng đòi tố khổ một tên cường hào, nhưng đội vẫn cứ đưa nó vào nông hội, lấy cớ là trung nông.

- Bệnh chủ quan - Không kết hợp chặt chẽ công việc kháng chiến với công việc phát động quần chúng, không chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đề phòng địch nên khi xã bị uy hiếp thì nhân dân hoang mang, hoặc chủ quan tếu, thậm chí như đội T.T., khi xã bị uy hiếp, vẫn cứ tập trung chỉnh huấn.

- Không làm đúng chính sách - Có vài xã thì trong ủy ban, nông hội, thành phần trung nông gấp hai thành phần bần cố nông. Có ủy ban thì lại chỉ có một trung nông. Ở Liên khu 4, thì trong 25 ủy ban, chỉ 7 ủy ban có phụ nữ.

Nói tóm lại, những bệnh trên đây đều do một khuyết điểm chính mà ra, tức là: không nghiên cứu kỹ chính sách và chỉ thị của Trung ương, không đi đúng đường lối quần chúng.

Cán bộ ta phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để làm cho đợt 3 thành công tốt, gọn, nhanh hơn.

C.B.
---------

Báo Nhân Dân, số 153, từ ngày 11 đến ngày 15-12-1953, tr.1.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.