Vừa rồi có mấy cuộc trưng bày "Cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến" của Tổng cục Hậu cần và của lao động Hà Nội.

Riêng cuộc trưng bày của lao động Hà Nội đã có hơn 11 vạn người và đại biểu của 125 đoàn thể đến xem. Số người đến xem nơi trưng bày của Tổng cục Hậu cần cũng rất đông đảo. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân ta rất chú ý đến việc cải tiến kỹ thuật.

Trong các cuộc trưng bày ấy, người ta thấy nhiều sáng kiến rất hay, rất tốt. Tuy mới là bước đầu, những sáng kiến ấy đều đưa lại kết quả: nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng, giảm giá thành, nghĩa là góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những kết quả ấy chứng tỏ rằng các đồng chí bộ đội, công nhân và lao động trí óc đã bắt đầu dám nghĩ, dám làm.

Nghe nói: Ban tổ chức đang xét duyệt để khen thưởng những sáng kiến có giá trị.

Ban tổ chức làm như thế là đúng. Nhưng chỉ xét duyệt và khen thưởng thôi, chưa đủ. Còn cần phải thí nghiệm áp dụng, ra sức cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy. Một ví dụ: Trong việc đào đất, vì cải tiến chút ít kỹ thuật mà các đồng chí bộ đội thường tăng năng suất từ 50% đến 100%, có khi nhiều hơn nữa. Nếu phổ biến rộng khắp thì chỉ một kinh nghiệm ấy, đã lợi nhiều cho Nhà nước, cho nhân dân.

Quần chúng lao động ta thường có nhiều sáng kiến. Song một số cán bộ quan liêu chẳng những không khuyến khích mà còn kìm hãm sáng kiến của quần chúng. Một ví dụ:

Công nhân Hòn Gai có nhiều sáng kiến, nhưng "Hội đồng duyệt sáng kiến" thì từ đầu năm đến nay không họp. Anh em công nhân hỏi, thì cán bộ lãnh đạo chỉ trả lời thon lỏn một câu: Bận việc quá, không họp được (!). Than ôi:

Cán bộ lãnh đạo nhà ta,

Quan liêu đến thế, thật là quan liêu!

Hiện nay, cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp đang làm cho quần chúng công nhân càng hiểu rõ họ có trách nhiệm làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà, do đó họ càng có nhiều sáng kiến mới.

Vậy trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo (từ Bộ đến xí nghiệp và công trường) là phải ra sức khuyến khích, xét duyệt nhanh chóng, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến tốt. Có như thế, thì những cuộc trưng bày "cải tiến kỹ thuật" mới có tác dụng thật thiết thực.

T.L.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 1927, ngày 25-6-1959, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.244-245.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.