Báo Nhân Dân ngày 21-6-1968 đăng tin “Mười vạn người nghèo ở Mỹ biểu tình đòi cải thiện đời sống và phản đối chiến tranh xâm lược ở Việt Nam”.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về vấn đề dân nghèo ở Mỹ.

Xin tóm tắt trả lời như sau:

Tờ Tuần báo Thời đại (ngày 17-5-1968) xuất bản ở Mỹ cho biết rằng: trong cái nước Mỹ tự xưng là giàu nhất thế giới lại có một nước Mỹ khác bao gồm 29 triệu 70 vạn người nghèo khổ, trong số đó có cả người da đen, da trắng, da đỏ, da vàng. Theo thống kê của Cục “Cơ hội kinh tế” thì những người nghèo khổ chiếm 15% tổng số nhân dân Mỹ. Cứ ba người nghèo khổ thì hai người là Mỹ da trắng. Trong số 11 triệu dân nghèo ở nông thôn, gần 9 triệu là Mỹ da trắng. Tính theo lứa tuổi, thì 50% dân nghèo vào hạng 20-21 tuổi, một phần tư vào hạng 55 tuổi trở lên.

Dân nghèo ở rải rác khắp nước Mỹ. Phía Tây Nữu Ước tuy có tiếng là giàu có nhất nước Mỹ, nhưng trong số 21 vạn gia đình ít nhất cũng có 44.000 gia đình nghèo khổ. Miền Nam nước Mỹ có nhiều gia đình nghèo khổ nhất. Từ năm 1904 đến nay có độ 4 triệu người da đen và da trắng rời bỏ miền Nam đi đến các thành thị ở miền Bắc, ở miền Tây, tìm công ăn việc làm. Nhưng chỉ có một số ít người may mắn tìm được công việc. Họ ở trong những túp nhà chật hẹp dơ dáy. Khi đau ốm thì thiếu thuốc thang. Vì vậy số trẻ con chết yểu nhiều gấp đôi số trẻ con nhà giàu và số trẻ con mắc bệnh phổi nhiều gấp ba.

Trong 100 thành thị to nhất ở Mỹ, các xóm dân nghèo chiếm 7% số người thất nghiệp.

Mỉa mai thay gia đình nghèo lại là những gia đình đông con hơn. 71% gia đình nghèo có bốn đứa con hoặc nhiều hơn nữa. Tính bình quân cả nước thì một gia đình chỉ có 1,35 đứa con. Hai phần ba số người mẹ nghèo khổ đều có chồng, nhưng 50% người chồng đó đều thất nghiệp. Một phần ba những người mẹ khác là góa chồng hoặc chồng bỏ hoặc chưa lấy chồng. Kỳ quái là những người mẹ không chồng lại sinh đẻ nhiều nhất. Thống kê cả nước cho biết 40% những trẻ ở trại mồ côi là con đẻ hoang.

Tình trạng đói rét, cực khổ của dân nghèo Mỹ khó mà tả được!

Trong lúc cả nước có gần 30 triệu nhân dân đói thiếu ăn, rách thiếu mặc mà chính phủ phản động Giônxơn mỗi năm xài hàng nghìn triệu đôla vào cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Vì vậy trong những cuộc biểu tình khổng lồ chống nghèo đói và đòi cải thiện sinh hoạt, bà con dân nghèo Mỹ cũng chống cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

CHIẾN SĨ

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 5184, ngày 22-6-1968, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.