Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết.

Đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột nhân dân, chúng ta đã làm cách mạng và kháng chiến để đánh đổ chúng. Hạn hán, lụt lội làm cho nhân dân đói nghèo, chúng ta ra sức xây dựng thủy lợi để chống lụt, chống hạn.

Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Có người nói: “Đối với thứ ruồi muỗi nhỏ nhen như vậy, cần gì làm ra to chuyện quá”. Nói như vậy là sai! Chính vì bé nhỏ mà nó làm cho người ta chủ quan khinh địch. Bé nhỏ nhưng nó độc ác, và hàng triệu cái hại nhỏ cộng lại thành cái hại to. Nếu tính lại mỗi năm Chính phủ và nhân dân ta tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động, thì sẽ thấy ruồi muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ.

Phòng bệnh hơn trị bệnh. Chịu khó tiêu diệt ruồi muỗi, hơn là để ruồi muỗi gây ra ốm đau rồi phải uống thuốc.

Cũng như mọi phong trào khác, muốn thắng lợi thì việc tiêu diệt ruồi muỗi phải:

- Đánh thông tư tưởng của quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền giáo dục rộng khắp, làm cho già, trẻ, gái, trai ai cũng hiểu rằng ruồi, muỗi rất có hại đến sức khỏe của mình, của gia đình mình; và mọi người đều tham gia một cách thiết thực và bền bỉ thì nhất định tiêu diệt được ruồi muỗi.

- Phải phát động quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng.

- Phải lãnh đạo chặt chẽ: đôn đốc và kiểm tra thường xuyên.

- Phải có quân chủ lực. Mọi người đều phải tham gia, nhưng thanh niên và nhi đồng là quân chủ lực, làm đầu tàu. Phải có trọng điểm như nhà thương, trường học, doanh trại, nhà máy, hàng quán, chợ búa, những nơi đông người...

- Phải kết hợp việc tiêu diệt ruồi, muỗi với những công tác vệ sinh khác như diệt chuột, quét dọn nhà cửa, đường sá, lấp các vũng nước bẩn, v.v..

Không nên chủ quan, cho việc giết ruồi, muỗi là một việc nhỏ, dễ làm, chỉ quan hệ đến vệ sinh mà thôi. Nó có ý nghĩa chính trị nữa, có quan hệ đến kinh tế và văn hóa. Chắc bà con còn nhớ trước đây bọn thực dân Pháp gọi chúng ta là “nòi giống bẩn thỉu”. Nhân dân ta đã đuổi được thực dân Pháp, thì phải tiếp tục phấn đấu để tiêu diệt nốt cả bạn đồng minh của chúng là ruồi muỗi.

T.L.

-------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1572, ngày 2-7-1958, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.487-488.

Tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi đề từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911.
Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy theo tính chất công việc hoặc yêu cầu nhiệm vụ của từng lãnh vực công tác, từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng và nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.
Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.