Báo có mục “ý kiến bạn đọc”, bạn đọc thường gửi ý kiến cho báo, đó là một việc rất hay. Vì đó là một cách phê bình và tự phê bình thiết thực, rộng rãi của nhân dân. Trong tháng 12 vừa qua, các bạn đọc đã phát biểu nhiều ý kiến hay, như những bài:

- Nên đi họp đúng giờ,

- Nên bảo đảm thóc gạo sạch sẽ để nộp thuế,

- Các ô tô hàng cần niêm yết giá vé,

- Ô tô hàng chớ tham chở nhiều khách quá,

- Nên thận trọng trong việc trình bày khẩu hiệu,

- Nên xóa bỏ những khẩu hiệu cũ của địch,

- Cần quy định và phổ biến luật đi đường,

- Nên tôn trọng luật đi đường,

- Nên phát triển máy hơi than dùng chạy ô tô thay cho dầu, xăng,

- v.v..

Song, bạn đọc đề nghị và báo nêu ra, đó chỉ là bước đầu. Nếu chỉ thế thôi, thì vô ích. Phải tiếp tục có bước thứ hai, tức là những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra, thí dụ:

Các chủ ô tô thì niêm yết giá vé và không chở quá nhiều khách.

Công an thì quy định và phổ biến luật đi đường, làm cho mọi người tôn trọng luật đi đường.

Cán bộ đi họp đúng giờ, đồng bào nộp thuế thì đảm bảo nộp thóc gạo sạch sẽ, v.v..

Bước thứ ba là kiểm tra. Nhà báo, bạn đọc và nhân dân kiểm tra xem những việc ấy đã làm chưa? Làm đến đâu?... Nếu làm được chu đáo, thì báo phải có lời khen ngợi. Nếu làm không chu đáo, thì nhà báo và nhân dân phải tiếp tục phê bình, đấu tranh.

Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế, “ý kiến bạn đọc” mới thật có ích.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 307, ngày 2-1-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật,Hà Nội, 2011, t.9, tr.229-230.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.