Đảng và Chính phủ đang lãnh đạo miền Bắc nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang ra sức phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân.

Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì phải biết rõ có bao nhiêu người để đặt kế hoạch cho đúng. Thí dụ:

Về ăn mặc - thì cần chuẩn bị bao nhiêu vải, gạo, đường, thịt, v.v..

Về văn hóa - thì phải chuẩn bị bao nhiêu sách vở, báo chí, phim ảnh, v.v..

Về bảo vệ sức khỏe - thì phải biết rõ cần bao nhiêu thuốc men, nhà thương, thầy thuốc, v.v..

Về lao động - thì phải biết rõ ai có nghề gì để phân phối công ăn việc làm cho đúng với tài năng của mỗi người...

Nói tóm lại: Vì lợi ích chung của nước nhà và lợi ích thiết thân của mỗi người mà cần phải điều tra dân số.

Vì vậy, toàn thể đồng bào cần phải tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia giúp đỡ cán bộ làm cho tốt việc điều tra dân số. Đồng thời phải nâng cao cảnh giác, chống lại những lời phản tuyên truyền bậy bạ của bọn phản động.

Cán bộ đi đúng đường lối quần chúng. Đồng bào hiểu rõ lợi ích. Cán bộ và đồng bào hợp tác chặt chẽ, thì việc điều tra dân số nhất định sẽ kết quả tốt, đúng, nhanh, gọn.

Các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đều đã điều tra dân số và đã đạt kết quả rất tốt. Thí dụ: Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã điều tra dân số ba lần: năm 1926, năm 1939 và năm 1959. Xin tóm tắt trích mấy con số sau đây để bà con ta xem cho vui.

Đầu năm 1959, dân số Liên Xô có 208.826.650 người trong đó có:

94.050.303 đàn ông

114.776.347 đàn bà.

(đầu năm nay đã tăng thêm 4 triệu người).

Gần ba phần tư người Liên Xô ra đời sau Cách mạng Tháng Mười.

Số trẻ con chưa đầy 10 tuổi có 46 triệu 40 vạn em.

Số người có sức lao động (từ 16 đến ngoài 50 tuổi) có 118 triệu 80 vạn người.

Năm 1958, cứ 1.000 người Liên Xô thì số người chết là 7,2 người (Mỹ 9,5 người, Pháp 11,1 người, Anh 11,7 người).

Trước Cách mạng, người Nga bình quân thọ được 32 tuổi. Năm 1957-1958, bình quân thọ 68 tuổi. Điểm này chứng tỏ rằng: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đời sống vật chất và văn hóa ngày càng nâng cao, người dân thật sự được hưởng cả Phúc, Lộc, Thọ.

T.L.

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2173, ngày 29-2-1960, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.497-498.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.