Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, quân đội Mỹ bị thiệt hại rất ít. Đất nước Mỹ không hề bị một viên đạn, một quả bom. Mỹ lại bán vũ khí cho các nước mà đại phát tài.
Dưới đầu đề "Súng đại bác", tờ tuần báo Mỹ Nation đã đăng một loạt bài, trả lời câu hỏi trên. Sau đây là tóm tắt mấy điểm chính:
Binh bị là một nguồn gốc làm giàu cho các công ty độc quyền.
So với trước Chiến tranh thế giới thứ hai, thì ngày nay số quân đội Mỹ tăng gấp 10, ngân sách quân sự tăng gấp 20.
Tài sản của Bộ Chiến tranh là 140 nghìn triệu đô-la. Tài sản của Bộ Không quân nhiều hơn tài sản của 5 công ty to nhất ở Mỹ cộng lại.
Các công ty to thầu các thứ trang bị, được lãi rất nhiều. Trong 5 năm qua, (không kể số tiền khổng lồ họ thu được do việc bán vũ khí cho các nước), họ lãi hơn 30.500 triệu đô-la. Viên Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay cũng là chủ một công ty to thầu hàng quân sự.
Để xoay các khoản thầu, gần 2.000 đại biểu các công ty vào làm việc trong các cơ quan chính phủ với một số lương tượng trưng là mỗi năm một đô-la. Các công ty thì trả lương cho họ mỗi tháng hàng vạn đô-la.
Mặt khác các tướng lĩnh về hưu, đều được các công ty mời làm chủ tịch hoặc phó chủ tịch. Hơn 40 viên cựu đô đốc và đại tướng đang làm việc ở các công ty với những lương bổng kếch xù, có khi hơn 10 vạn đô-la một tháng. Chỉ năm ngoái hơn 2.000 sĩ quan cao cấp đã từ chức quân đội để về làm cho các công ty. Các công ty to thích dùng các tướng tá cũ, vì những người này có ảnh hưởng lớn đối với các tướng tá mới. Và các tướng tá mới thì đều hiểu rằng: Nếu mong mai sau có một chỗ làm với số lương khá, thì ngay từ bây giờ họ phải "hẩu" với các công ty to.
Các công ty thầu và các tướng lĩnh đều vào một phe, cho nên có những vụ tham ô, lãng phí rất kỳ khôi. Thí dụ: Có thứ trang bị chất ở kho nhiều đến nỗi dùng trong 128 năm còn chưa hết. Trong một cái kho của hải quân, người ta thấy có 11 triệu cái nĩa ăn hàu.
Báo Nation kết luận: Có tuyên truyền chiến tranh, có chạy đua binh bị, thì bọn tài phiệt và quân phiệt mới có thể làm giàu. Vì vậy chúng thích chiến tranh, và chúng sợ hòa bình.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 825, ngày 7-6-1956, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.339.