
![]() |
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân tài không chỉ là người có trình độ chuyên môn cao, mà phải là người có đạo đức, có lòng yêu nước và ý chí phục vụ nhân dân. Điều đặc biệt là Người có quan điểm rất cởi mở trong việc sử dụng nhân tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Chính nhờ quan điểm tiến bộ đó, nhiều trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển... đã được Người mời về nước tham gia vào công cuộc xây dựng chính quyền và phát triển khoa học kỹ thuật, trong khi họ hoàn toàn có thể ở lại nước ngoài với điều kiện vật chất tốt hơn.
Sự trọng thị, tin tưởng và tạo điều kiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành nên lớp trí thức nòng cốt, đặt nền móng cho khoa học, công nghệ nước nhà.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, nhưng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài khoa học vẫn mang tính thời sự sâu sắc.
Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh, dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo và công nghệ. Do đó, việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ người tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phải được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Đó chính là nền tảng để phát triển một quốc gia hùng cường, dựa trên sức mạnh trí tuệ Việt Nam./.