Bạn P.X.H. (Anh Sơn, Nghệ An) viết thư cho báo Nhân Dân, đại ý nói:

“Trong khi đế quốc Mỹ đang tuyên truyền bom A và bom H để uy hiếp tinh thần một số đồng bào ta, C.B. lại nói rõ sức tàn phá ghê gớm của hai thứ bom ấy (bài Nói mà nghe, ngày 17-12-1954). Nhiều bạn đọc cho rằng như thế là “bất lợi”, vì bài ấy làm cho nhiều người thêm hoang mang”.

Trả lời: một việc mà báo chí thế giới đều nói, nhân dân thế giới đều biết không lẽ gì báo ta lại không nói cho đồng bào ta biết. Biết rõ sức phá hoại của các thứ bom ấy, cũng như biết rõ âm mưu gây chiến của đế quốc Mỹ, biết để thêm căm thù, để thêm kiên quyết đấu tranh. Như thế, biết là có lợi, chứ không phải “bất lợi”.

Đế quốc chỉ có thể uy hiếp tinh thần và làm hoang mang một số ít người yếu bóng vía. Những người tin tưởng vào lực lượng đấu tranh của mình và của nhân dân, thì không có gì uy hiếp được tinh thần của họ.

Vừa rồi (ngày 13-1-1955), tuyên bố về nguy cơ chiến tranh nguyên tử, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới là ông Quyri kêu gọi nhân dân thế giới tiếp tục đấu tranh đòi cấm 2 thứ bom ấy.

Nhân dân nhật báo (Trung Quốc ngày 16-1-1955) viết: “Bom nguyên tử và bom khinh khí là 2 thứ vũ khí dã man, nhưng nó không thể quyết định một cuộc chiến tranh. Chỉ có lực lượng nhân dân đấu tranh cho chính nghĩa là vô địch”.

Hôm 15-1-1955, hơn 22 triệu người Nhật đã ký tên đòi cấm 2 thứ bom ấy. Họ đã họp hội nghị toàn quốc có 300 đại biểu, thay mặt đủ các tầng lớp nhân dân.

Tháng 4 năm ngoái, đồng chí Malencốp nói: “Nếu bọn xâm lược cậy có bom nguyên tử muốn thử lực lượng hùng mạnh của Liên Xô, thì chắc chắn chúng sẽ bị đánh tan bằng thứ vũ khí ấy, và cuộc chiến tranh mạo hiểm của chúng chắc chắn sẽ đưa chế độ tư bản đến chỗ phá sản hoàn toàn”.

Mong bạn P.X.H. hiểu rõ rồi giải thích cho những ai còn hoang mang: vỏ quýt Mỹ dày, thì móng tay chúng ta rất nhọn.

C.B.

------

Báo Nhân Dân, số 333, ngày 29-1-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.