Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh Các Mác, tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 18 năm, Bác nói về Các Mác.
Năm 1950, trong chiến dịch đường số 4, Bác đi thăm mặt trận. Chúng tôi, năm cán bộ bảo vệ được đi theo Bác. Chúng tôi đi mỗi ngày độ 40 cây số. Lúc đi đường, Bác dạy chúng tôi Chinh phụ ngâm hoặc Kim Vân Kiều, hoặc là kể chuyện. Có vài đồng chí lúc đầu không biết kể chuyện gì, Bác bảo không biết chuyện gì thì chú cứ kể chuyện gia đình chú có mấy người, làm nghề gì,… Như thế là có chuyện kể. Khi hết chuyện Bác gợi ý, dần dần anh em quen, ai cũng có chuyện kể. Nhờ vậy, đi luôn mấy ngày mà không ai cảm thấy mệt mỏi.
Một hôm đồng chí T.H. xin Bác nói chuyện về Các Mác.
Bác nói: kể chuyện Các Mác tức là nói về chủ nghĩa Mác. Nói về chủ nghĩa Mác thì phải có chuẩn bị kỹ càng. Bây giờ, Bác chỉ kể vài mẩu chuyện, hoặc gần hoặc xa, có quan hệ đến ông thầy chủ nghĩa cộng sản của chúng ta.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, vào năm 1918, Bác công khai hoạt động chính trị ở Pháp. “Hoạt động chính trị” là một cách nói cho oai, sự thực thì lúc đó, Bác cũng chưa hiểu rõ chính trị là gì? Cách hoạt động của Bác là lên án những tội ác của bọn thực dân ở nước ta. Muốn làm việc này, phải có ba điều kiện:
Một là phải biết rõ những tội ác đó. Hai là phải viết rõ, kể rõ những tội ác đó. Ba là phải tìm một tờ báo nào nhận đăng những lời lên án đó.
Điểm thứ nhất không khó lắm vì tự Bác đã biết một số thực dân đã phạm một số tội ác ở nước ta. Điểm thứ hai thì khó hơn, vì lúc đó, chữ Pháp của Bác còn rất kém. Điểm thứ ba càng khó hơn nữa, vì báo chí của người Pháp mà chịu vạch tội ác của thực dân, thì chắc là rất hiếm.
Năm 1918, ở Pháp chỉ có Đảng Xã hội, chưa có Đảng Cộng sản. Đảng Xã hội có hai tờ báo: tờ Nhân đạo (Humanité) và tờ Dân chúng (Populaire). Có người mách với Bác: anh thử đến gặp tòa báo Dân chúng. Bác đến nhà báo thì được ông Saclơ Lôngghê chủ bút tờ báo, ra tiếp Bác một cách rất niềm nở, ông ta là người Pháp đầu tiên gọi Bác là đồng chí. Bác rất vui lòng. Về sau, Bác mới biết ông Lôngghê là cháu ngoại của Các Mác. Sau khi nghe Bác trình bày ý nguyện của mình, ông Lôngghê vui vẻ nhận lời: “Đồng chí cứ viết đi, tôi sẽ sẵn sàng đăng những bài của đồng chí, và nếu cần, xin đồng chí cho phép tôi sửa chữa một đôi chỗ về văn Pháp”. Thế là ông Lôngghê đã giành được cảm tình tốt của Bác.
Đến năm 1920, Đảng Xã hội Pháp thảo luận rất sôi nổi về vấn đề đi với Quốc tế cộng sản (Quốc tế thứ ba); hay là đứng ra lập một Quốc tế hai rưỡi; hay là cứ ở trong Quốc tế thứ hai (Quốc tế xã hội). Bác rất ngạc nhiên thấy ông Lôngghê, người bạn tốt của mình, cháu của Các Mác là người thầy học thuyết cộng sản, mà lại kiên quyết đứng đầu phái phản đối tham gia Quốc tế cộng sản.
Lúc đó, Bác sực nhớ lại câu chuyện sau đây: Các Mác rất cưng cháu mình. Thường khi làm ngựa cho cháu cưỡi. Ăngghen, bạn thân của Mác, thấy vậy thì cười và nói rằng: một con lừa (tức là Lôngghê) đang cưỡi trên lưng một con sư tử.
Năm 1925, trong một cuộc đại hội của Quốc tế cộng sản, Bác được gặp đồng chí gái Cơlara Détkin, một lãnh tụ cách mạng Đức, đã từng hoạt động với Mác; và trong một cuộc Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Bác được gặp đồng chí Tomman, lãnh tụ của phong trào công nhân Anh. Đồng chí Man đã hoạt động lúc Mác còn sống. Mác đã phê bình đồng chí Man rằng: “Man có tài hoạt động và rất hăng hái. Nhưng chú ấy có khuyết điểm hiếu danh, thường khoe với bầu bạn: công tước này, bá tước kia đã mời tôi ăn cơm,…”. Về sau đồng chí Man già, vẫn hăng hái hoạt động, nhưng cái tính khoe khoang thì không sửa chữa hết.
Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Nhưng có thể nói một cách tóm tắt là chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác đã dạy chúng ta: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại! Lênin, người học trò thiên tài của Mác, bổ sung thêm: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Hai câu khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn.
VIỆT HỒNG
-------------------
Báo Nhân Dân, số 5137, ngày 5-5-1968, tr.1.