Đồng chí Luân là một công nhân ở nhà máy Yên Sơn.
Đầu năm 1953, nhà máy chỉ sản xuất được 8 phần 10 mức đã định, phần nhiều thứ sản xuất lại vào hạng nhì. Đồng chí Luân ra sức tìm tòi, sửa đổi máy móc, sửa đổi cách tổ chức và cách làm việc. Được chi bộ và công hội giúp đỡ, đồng chí Luân đã thu được kết quả đầu tiên là: năng suất tăng gấp hai và các thứ sản xuất đều tốt cả.
Trong đợt thi đua tháng 9-1953, đồng chí Luân đặt chương trình làm xong trong 1 năm kế hoạch của 3 năm. Đến 8-12-1953 đã làm xong kế hoạch của 3 năm rưỡi.
Theo kinh nghiệm đó, đồng chí Luân tìm tòi thêm nữa, phát minh thêm nữa. Hết năm 1953, đồng chí Luân đã làm xong kế hoạch sản xuất 4 năm, 1 tháng và 17 ngày, và tiết kiệm cho ngân sách của Chính phủ 637 triệu đồng.
Kinh nghiệm ấy truyền ra, các cơ quan và các nhà máy đều kiểm điểm lại tư tưởng và công tác của mình, đều học tập tinh thần cố gắng và kinh nghiệm thiết thực của đồng chí Luân. Kết quả là đều tăng năng suất, nơi thì tăng gấp 2, có nơi tăng gấp 3.
Kinh nghiệm Vương Sùng Luân chứng tỏ rằng: năng lực và sáng kiến của quần chúng lao động là vô cùng vô tận.
Ở Việt Nam ta, các chiến sĩ thi đua cũng có rất nhiều sáng kiến hay, quần chúng cũng rất hăng hái. Nhưng chúng ta chưa biết thực hiện đầy đủ những đề nghị hợp lý của quần chúng, chưa biết truyền bá rộng rãi những kinh nghiệm đã thu được, chưa biết bồi dưỡng giúp đỡ các chiến sĩ thi đua. Các chi bộ và công hội, nông hội ta chưa biết lãnh đạo thiết thực và chặt chẽ. Vậy chúng ta phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, thi đua với anh em Trung Quốc, thì chắc rằng chúng ta cũng sẽ có những Vương Sùng Luân Việt Nam.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 175, từ ngày 1 đến ngày 5-4-1954, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.450-451.