Báo chí ở nơi nào là hình ảnh đời sống hàng ngày của nơi ấy.

Chúng ta thử xem các báo Sài Gòn thường có những tin tức gì? Vài thí dụ:

* Báo ngày 7-4-1958:

- Hàng vải ế đọng

- Hai vợ chồng anh bán thịt lợn bị ám sát

- Ba người gây đánh chết một người ở hẻm Phước Kiều

- Tiệm bán bánh "Thọ Tháp" bị tống tiền

- Vụ sáu người bị giết ở Bạc Liêu

- Bán con lấy 2.000 đồng

- Gạt chủ tiệm vàng để lấy một đôi hoa tai và một vòng vàng...

* Báo ngày 8-4-1958:

- Xe đò bị 12 tên cướp chặn lại vơ vét

- Ông Thuật, trưởng ban treo cổ tự sát vì quá ức

- Thiếu úy Lập thụt két hơn 351.375 đồng

- Chủ nhiệm hai tờ tuần báo Chuyện phim và Tiếng vang lừa bịp lấy tiền.

- Trần Văn Miên đi tìm vợ bé, rồi bị chém chết vứt xác xuống đìa.

- Một công ty dầu lửa lường gạt ngót 20 triệu đồng

- 80% công nhân tại các trại định cư (tức là đồng bào miền Bắc bị cưỡng ép di cư vào Nam) bị thất nghiệp

- Chủ nhà lấy người ở, đến khi người ở có thai lại đuổi đi, không trả một đồng xu tiền công...

Dù bị kiểm duyệt gắt gao, báo ra ngày 8-4-1958 đã nói về tình trạng của anh chị em công nhân như sau:

"... Đời sống của nhân dân lao động bị dồn dập nhiều điêu đứng khó nhọc... Không có công ăn việc làm, lương không đủ sống, ở không yên lành... Nghiệp đoàn bị bắt buộc ngừng hoạt động, một số anh chị em đoàn viên và cán bộ bị vu khống và bắt bớ trái phép... Các nhà công nghệ, tiểu công nghệ và các hàng buôn đều ế ẩm đình đốn. Các chủ sa thải từng loạt hàng trăm công nhân... Làm cho nạn thất nghiệp thêm trầm trọng... Tình cảnh buôn bán ở các chợ lâm vào tình trạng hấp hối. Bán suốt ngày có lúc không đủ ăn, không đủ đóng tiền chợ và phạt vạ.

Nạn đuổi nhà vẫn hoành hành. Hàng vạn đồng bào bị cháy nhà ở Gia Kiệm, Gò Vấp, v.v. đang thiếu thốn mọi bề... Thực trạng xã hội đã xô đẩy anh chị em công nhân vào cảnh sống dở chết dở... Quyền lợi công nhân bị thiệt thòi, đời sống công nhân quá cơ cực, thiếu thốn, bị hăm dọa nặng nề. Chúng ta không thể mơ màng chờ đợi, mà phải đoàn kết để đấu tranh..." (Thư của Tổng liên đoàn lao động miền Nam).

Về chính trị - Chính quyền miền Nam tìm mọi cách bưng bít, đài phát thanh và các báo Sài Gòn tìm mọi cách xuyên tạc bức thư của Chính phủ ta gửi cho Ngô Đình Diệm (7-3-1958). Nhưng đồng bào miền Nam đều biết và bàn tán xôn xao. Vì vậy, các báo Sài Gòn (như báo Dân chúng) đã phải viết hàng loạt bài xã luận về bức thư ấy. Điều đó chứng tỏ rằng chính sách của ta đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình được các tầng lớp nhân dân miền Nam ủng hộ nhiệt liệt.

TRẦN LỰC
-------------------------------
Báo Nhân Dân, số 1496, ngày 16-4-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.