Xibêri trước ngày Cách mạng Tháng Mười là một vùng “nước độc rừng thiêng”, nay đang tiến mạnh lên chủ nghĩa cộng sản. Một thí dụ: Xứ Cudơbát trước đây là một xứ rất hoang vu, dân cư thưa thớt, cả xứ chỉ có một nhà trường. Nay đã mọc lên nhiều thành phố công nghiệp, có 3, 40 vạn dân; sản xuất hàng triệu tấn than đá, gang thép, máy điện; và có 300 trường trung học, 5 trường đại học…

Kêmêrô ở Cudơbát, năm 1917 chỉ có 3.900 người dân và những túp lều lụp xụp. Nay có đến 360.000 người, có những dãy nhà cao 7, 8 tầng, với phòng tắm, nước nóng, đèn điện… Cả thành phố có 25 nhà giữ trẻ, 200 lớp học, một trường đại học bách khoa… Có đường đi rải nhựa, hai bên trồng nhiều dãy cây. Ủy ban thành phố vừa quyết định năm sau sẽ trồng thêm 3 triệu bụi hoa trong những công viên sẵn có.

Ở các thành phố, người ta đang thi hành “tự động hóa”. Ví dụ: Các cửa hàng không có người bán và người thu tiền. Giá hàng đã ghi rõ, khách muốn mua gì, tự chọn lấy hàng rồi tự trả tiền vào két. Rạp hát, rạp chiếu bóng không có người bán vé. Bạn mua vé ở cơ quan bạn, đến giờ, bạn cứ vào xem và tự đến chỗ ngồi đã ghi rõ trên vé. Ngày trả lương, trên một cái bàn ở nhà máy đã để sẵn những phong bì tiền có ghi tên người thợ, mỗi người “tự động” lấy phong bì của mình. Có những quán cơm tự động, mỗi ngày có 45 thứ rau sạch sẽ, ngon lành và giá rẻ cho 5.000 khách ăn. Mỗi quán như vậy có 65 “anh chị nuôi” phụ trách.

Các trạm công an được bỏ bớt dần. Công nhân và thanh niên phụ trách giữ gìn vệ sinh và trật tự.

Các xí nghiệp ngày càng tự động hóa. Thi đua từng người và từng kíp không đủ nữa. Tất cả công nhân phải thi đua đều, tiến bộ đều. Muốn vậy, thì tất cả phải học. Cán bộ kỹ thuật phụ trách giúp công nhân, người giỏi phụ trách giúp người kém học. Học xong, mọi người phải thi. Nhờ cách đó, trước đây công nhân mỏ than có 6 cấp, nay đều tiến lên thành 3 cấp, đến năm 1963 sẽ chỉ còn 1 cấp.

Mọi người ra sức học tập và thi đua, cho nên ngày lao động được rút ngắn (làm 5 ngày, nghỉ 2 ngày), mà sản xuất thì không ngừng tăng gia, đời sống ngày càng sung sướng.

Có kết quả tốt đẹp đó là do sự giáo dục của Đảng làm cho mọi người đều thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ nước nhà, mọi người thi đua thực hiện cần kiệm xây dựng Tổ quốc.

T.L.

---------------

Báo Nhân Dân, số 2465, ngày 18-12-1960, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.