… Xơn số 1 là Giônxơn tổng thống Mỹ… Xơn số 2 là Uynxơn thủ tướng Anh. Hai Xơn giống nhau cái đuôi, tuy khác nhau cái đầu. Xơn số 2 lại là cái đuôi của Xơn số 1. Câu chuyện như sau:

Trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man của chúng, đế quốc Mỹ ngày càng thua. Như con thú dữ càng gần chết, nó càng gầm thét tợn. Giặc Mỹ càng gần bị diệt vong, nó càng hung hăng.

Mỹ đã hoàn toàn thất bại về chính trị. Tốn bao nhiêu đôla, bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu mưu mẹo, chúng nặn ra một chính quyền bù nhìn khát máu - Ngô Đình Diệm. Trước sức mạnh kháng cự của nhân dân miền Nam, Diệm đã thất bại. Mỹ đã giết Diệm, và nặn ra một lũ bù nhìn khát máu khác. Mỹ lại thất bại, vì lũ này không ngớt cắn xé lẫn nhau, như bầy chó sói nhốt chung một chuồng. Chỉ trong 20 tháng, đã có:

13 lần đảo chính,

9 lần thay đổi chính quyền,

4 lần thay đổi “hiến pháp”…

Và chúng còn đảo nhau mãi, cho đến ngày nhân dân quét sạch chúng.

Bên ngoài thì giặc Mỹ bị nhân dân thế giới nghiêm khắc lên án. Trong nước thì lịch sử Mỹ chưa bao giờ nhân dân công kích gay gắt chính phủ hiếu chiến như hiện nay.

Về quân sự, Mỹ cũng thất bại to. Kế hoạch Taylơ phá sản rồi. Kế hoạch Mặt nạ ma ra[1] cũng đang phá sản. Cuối năm 1963, Mặt nạ huênh hoang rằng: cuối năm 1965, Mỹ sẽ “bình định” xong miền Nam. Tất cả 15.000 “cố vấn” Mỹ sẽ được về nước. Nhưng vì thất bại liên tiếp, số lính Mỹ không giảm bớt, mà hiện nay lại tăng đến 60.000 tên, không giả danh “cố vấn” nữa, mà trắng trợn trực tiếp tham gia chiến tranh. Theo các báo nước ngoài, thì số lĩnh Mỹ sẽ tăng đến 10 vạn hoặc nhiều hơn nữa. Chúng cứ tăng! Ở Việt Nam ta có tha hồ đồng lầy và rừng núi để làm mồ cho chúng!

Mỹ còn phải xin quân tiếp viện của các nước chư hầu như Nam Triều Tiên, Tân Tây Lan, Úc, v.v..

Quân đội bù nhìn thì tan rã nhanh chóng. Báo Mỹ Nữu Ước thời báo (7-5-1965) viết: “Số ngụy binh đào ngũ đến mức dễ sợ. Ở các trại huấn luyện, một nửa tân binh đã bỏ trốn, vì họ thấy rằng chiến tranh này là chiến tranh của Mỹ…”.

Sa lầy ở miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng dùng máy bay “leo thang” ra miền Bắc. Chúng lại húc đầu vào tường đá. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, quân và dân ta đã bắn rơi 364 máy bay Mỹ.

Tóm tắt tình hình chiến tranh, báo Nước Pháp buổi chiều (16-6-1965) viết: “Mỹ nhất định thua. Tất cả những biện pháp mới mà Mỹ thi hành ở Nam Việt Nam đều vô dụng… Việc “leo thang” ra Bắc cũng thất bại… Hiện nay Mỹ đang bí như Pháp đã bí hơn 10 năm trước đây. Thiên nhiên và nhân dân đều ủng hộ “Việt cộng””…

Quá bí, Giônxơn một mặt đẩy mạnh chiến tranh, một mặt đưa ra cái gọi là “đàm phán không điều kiện” hòng lừa bịp thiên hạ. Đồng thời y xúi Uynxơn đưa ra cái gọi là “phái đoàn hòa bình”, cũng hòng lừa bịp thế giới.

Là một trong hai chủ tịch của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, ông Uynxơn đã không làm trọn nghĩa vụ của mình, lại còn hết sức ủng hộ Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tiến hành chiến tranh xâm lược. Vì vậy y đã bị thế giới xem khinh và dân Anh phản đối.

Ở nước Anh đã có nhiều cuộc biểu tình rầm rộ. Như hôm 30-6 vừa rồi, hơn 5.000 đại biểu các đoàn thể quần chúng khắp nước đã biểu tình trước Quốc hội, và đưa cho Quốc hội bản kiến nghị có 10 vạn chữ ký chống Mỹ. Hàng trăm công đoàn và chi bộ Công đảng (là đảng của Uynxơn) đã gửi kiến nghị đòi chính phủ Anh phải chống Mỹ xâm lược Việt Nam. 104 nghị sĩ thuộc Công đảng cũng tuyên bố chống Mỹ và công kích chính phủ Uynxơn theo đuôi Mỹ.

Trước làn sóng công phẫn đó, ông Uyn tìm ra một cách hòng vừa xoa dịu dân Anh, vừa được lòng thầy Mỹ, vừa tỏ vẻ “ta đây cũng phấn đấu cho hòa bình”. Y bèn lạm dụng danh nghĩa các nước khối liên hiệp Anh, nặn ra cái gọi là “phái đoàn hòa bình”.

Vô phúc cho y! Đề nghị đó liền bị mấy nước trong khối lắc đầu. Nước thì chống thẳng tay, như Tadania. Nước thì phản đối Uyn làm đoàn trưởng, như Kênia. Nước thì không chịu tham gia, như Xây Lan, v.v..

Ông Uyn đã không có tư cách nói chuyện hòa bình. Trong khối liên hiệp Anh lại có những nước giúp Mỹ xâm lược, như Tân Tây Lan, Úc…

Vì vậy, dư luận Anh và thế giới đã “ca tụng” Uyn một mẻ nên thân. Thí dụ các báo Anh:

Tin điện chủ nhật viết: đề nghị đó “trời chưa sáng, nó đã đi đời nhà ma”.

Thời báo chủ nhật viết: “Trò bịp chính trị của Uynxơn… sẽ bị mất mặt đến cùng”.

Người bảo vệ viết: “Uynxơn bợ đít Mỹ, cho nên y không được trong nước kính trọng, không có uy tín trên thế giới”.

Báo Tia lửa (Gana) viết: “Phái đoàn của Uynxơn chỉ nhằm phục vụ đế quốc Mỹ”. Còn nhiều báo chỉ trích như vậy.

Ông Uynxơn xin đi đến Liên Xô, Trung Quốc, Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ. Ý kiến được Mỹ và tay sai hoan nghênh. Trung Quốc, Liên Xô và ta thì “mời ông cứ ở nhà ông”.

Xơn số 2 ngụy biện rằng muốn đến Việt Nam “xem xét có cơ sở nào để lập lại hòa bình”.

Cơ sở duy nhất hợp tình hợp lý để lập lại hòa bình. Chính phủ ta đã nêu rõ trong 4 điểm; và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam - người đại biểu chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam - đã nêu rõ trong 5 điều. Nói tóm tắt là Mỹ phải thi hành đúng đắn Hiệp nghị Giơnevơ - 1954 về Việt Nam. Lập trường chính đáng đó được nhân dân khắp thế giới nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ.

Thế mà đường đường Tể tướng Uynxơn lại không hay, không biết, còn muốn đi tìm. Rõ trơ trẽn thật! Vậy có thơ rằng:

Giônxơn Mỹ, Uynxơn Anh,

Bợm to, bợm nhỏ, cột thành một đôi!

CHIẾN SĨ

-------------------

Báo Nhân Dân, số 4109, ngày 4-7-1965, tr.4.


[1]. Mặt nạ ma ra: Tức Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ (1961-1963 và 1963-1968) (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.