Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa.

Hiện nay, ý nguyện của dân ta từ Bắc đến Nam là: Đương cục miền Nam phải cùng Chính phủ ta khai hội hiệp thương, bàn cách chuẩn bị tổng tuyển cử tự do, để thống nhất nước nhà, như Hiệp ước Giơnevơ đã quy định.

Không chỉ nhân dân ta, mà nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đều mong muốn như vậy. Một thí dụ: Vừa rồi, 137 nhân sĩ Pháp (gồm có mấy vị linh mục) đã yêu cầu Chính phủ Pháp phải tôn trọng chữ ký của nước Pháp, phải góp sức làm cho cuộc tổng tuyển cử của ta được thực hiện.

Đã hai lần, Chính phủ ta tuyên bố sẵn sàng khai hội hiệp thương. Nhưng đương cục miền Nam vẫn im lặng, chưa trả lời.

Hôm 16-7, trong một bản tuyên bố lúng túng và láo xược, dài độ 30 dòng thôi, Ngô Đình Diệm đã phải dùng.

chữ Tuyển cử 2 lần,

chữ Độc lập 2 lần,

chữ Hòa bình 2 lần,

chữ Dân chủ 4 lần,

chữ Tự do 7 lần,

chữ Thống nhất 7 lần,

Dù muốn hay là không muốn, dù thật hay là giả, Ngô Đình Diệm đã bị nhân dân trong nước và thế giới bắt buộc phải nói đến tuyển cử và hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Ngô Đình Diệm nói: "Không gạt bỏ nguyên tắc tuyển cử, nếu tuyển cử hoàn toàn tự do".

Chúng ta hoan nghênh lời nói đó. Cụ Khổng có nói: "Trong 1.000 lời nói của kẻ ngu xuẩn, ắt có một lời đúng".

Tuyển cử hoàn toàn tự do - vốn là chủ trương của nhân dân và Chính phủ ta. Nếu Ngô Đình Diệm không cố ý lừa gạt nhân dân, không cố ý treo đầu dê bán thịt chó, thì y phải tán thành khai hội hiệp thương với đại biểu ta, cớ sao lại cứ ấp úng thập thò nép sau lưng quan thầy Mỹ?

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 515, ngày 31-7-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.63-64.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.