Bác sĩ Guilăng là Giám đốc các nhà thương chữa bệnh thần kinh ở Pari và quận Xen (Pháp). Đi thăm Liên Xô về, bác sĩ G. đã thuật lại ấn tượng như sau (trong báo Thế giới, 18-11). Y tế Liên Xô có mấy đặc điểm:
- Hợp lý - Nhân dân ai ốm thì được chữa, không mất tiền thầy tiền thuốc. Các thầy thuốc đưa tất cả tinh thần và lực lượng làm cho nhà thương, không hề làm riêng ở ngoài. Y tế cực kỳ xem trọng việc phòng bệnh, xem trọng điều kiện sinh hoạt và điều kiện làm việc của nhân dân. Ra sức bồi dưỡng thêm nhiều cán bộ.
- Phát triển việc nghiên cứu - Về mặt kỹ thuật và máy móc y tế, nhiều chỗ hơn các nước phương Tây. Số nhà thương và số khoa học thầy thuốc thì nhiều hơn gấp mấy. Liên Xô có 7 viện với 350 người chuyên môn nghiên cứu bệnh thần kinh. Ngoài ra, còn nhiều viện chuyên môn nghiên cứu lý luận Páplốp. Ở Viện Bucốp có 160 bác sĩ, 550 người giúp việc, 38 phòng nghiên cứu, với một cái vườn rộng 1.600 mẫu tây.
- Đủ thầy thuốc - Nhà thương Viledui (Pari) có 2.800 người bệnh, mà chỉ có 22 bác sĩ, trong số đó có những người mỗi tuần lễ chỉ làm một hoặc hai buổi.
Nhà thương Cachenki (Liên Xô) có 1.800 người bệnh, mà có 127 bác sĩ ngày nào cũng làm việc 2 buổi ở nhà thương.
- Nhân đạo - Ở nhà thương Gagra mà bác sĩ G. đã đến thăm, mỗi bữa có 47 món ăn khác nhau, do thầy thuốc hướng dẫn người bệnh chọn món gì thích hợp cho họ. Ở các nhà thương Liên Xô hoàn toàn không dùng cách trói buộc người bệnh khi lên cơn điên. Trong số 419 thầy thuốc và người giúp việc ở nhà thương Gagra, chỉ có 8 người đàn ông. Điều đó chứng tỏ ở đây người ta đối với bệnh nhân sự săn sóc, an ủi, yêu thương đến mức nào.
Bác sĩ G. kết luận: Y tế Liên Xô đã trở nên y tế kiểu mới, các nước có thể học nó để mà cải thiện y tế của mình.
C.B.
------------
- Báo Nhân Dân, số 644, ngày 7-12-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.198-199.