Ở cuối lục địa Tây Âu, với 9 vạn 2.000 cây số vuông đất đai và độ 6 triệu nhân dân, bé nhỏ như vậy, mà Bồ Đào Nha cũng lên mặt đế quốc ra phết! Hiện nay bọn thực dân Bồ còn chiếm giữ xứ Goa của Ấn Độ và Áo Môn của Trung Quốc.

Trước đây 40 năm, thuyền buôn Bồ Đào Nha mượn cớ gặp gió bão, xin phép Trung Quốc vào cửa biển Áo Môn để phơi những hàng hóa bị ướt. Rồi dần dà thuê đất cất nhà, làm nơi buôn bán. Rồi nhân lúc tình hình Trung Quốc lộn xộn, chiếm Áo Môn làm thuộc địa.

Ngày nay, Áo Môn là một “thiên đường” cho những sòng gá bạc, những nhà gái điếm, những tiệm thuốc phiện, những nhà buôn lậu, những tổ mật thám... Ở trên là Phủ Toàn quyền và trại cảnh sát Bồ.

Vừa rồi, thực dân Bồ định xây một cái bia to lớn và họp một ngày hội long trọng để “kỷ niệm 400 năm chiếm cứ Áo Môn”.

Tin tức ấy làm cho nhân dân Trung Quốc nổi giận, đòi lấy lại Áo Môn và đuổi cổ bọn thực dân Bồ đi.

Đầu thì tếu, sau thì hoảng, hôm 29-10, Chính phủ thực dân Bồ buộc phải thủ tiêu “đại hội kỷ niệm” và đồng thời giải tán “Ủy ban nghiên cứu quân sự” mà chúng đã lập ra hồi tháng 6 năm nay.

Bọn thực dân Bồ lúc này vì dại dột mà bị bẽ mặt; nhưng nếu không biết thân mà cút đi sớm, thì chắc có ngày sẽ bị nhân dân Trung Quốc đá đít ra khỏi Áo Môn.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 617, ngày 10-11-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.