Cách mạng Tháng Mười Nga thành công làm chấn động cả thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu truyền đến Trung Hoa, nước to nhất thế giới mà bọn đế quốc gọi một cách khinh miệt là “con sư tử mê ngủ”.

Ngày 1-7-1921, tại một gian phòng bé nhỏ ở thành phố Thượng Hải xa hoa, 12 người cách mạng (trong đó có đồng chí Mao Trạch Đông) khai hội thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm 50 đảng viên (hiện nay có hơn 17 triệu đảng viên). Từ đó, vận mệnh nước Trung Hoa bắt đầu chuyển biến.

Sau 28 năm đấu tranh vô cùng anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông, Giải phóng quân đã tiêu diệt hơn 8 triệu quân đội của Tưởng Giới Thạch do Mỹ trang bị, đã đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi Trung Quốc; và một nước Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa được lập nên (1949).

Trong 12 năm xây dựng, Đảng Cộng sản lãnh đạo 650 triệu nhân dân thi đua lao động quên mình, đưa Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu, “một cùng, hai trắng” thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

40 năm vẻ vang, 40 năm thắng lợi. Nhiều đồng chí đã viết những trang lịch sử vĩ đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em. Ở đây, tôi chỉ kể lại mấy điều như sau:

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, quan hệ mật thiết với nhau đã bao thế kỷ. Lẽ tất nhiên, quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam cũng đặc biệt gắn bó. Ví dụ:

- Ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận Mác -Lênin, phần lớn kinh qua Trung Quốc mà truyền đến Việt Nam.

- Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí (1925), Hội nghị để hợp nhất các nhóm cộng sản Việt Nam thành một đảng Mác - Lênin (1930), Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương (1935) - đều tổ chức ở Trung Quốc và được các đồng chí Trung Quốc hết lòng giúp đỡ.

- Liên Xô đánh tan quân phiệt Nhật ở Đông Bắc đã giúp Trung Quốc kháng chiến thắng lợi. Trung Quốc kháng chiến thắng lợi đã tạo điều kiện tốt cho Cách mạng Tháng Tám Việt Nam thành công.

- Từ năm 1946 về sau, Đảng Cộng sản phải chiến đấu liên miên chống quân phản động Tưởng Giới Thạch do Mỹ giúp đỡ, (mở đầu cuộc nội chiến, Mỹ đã trang bị với vũ khí hiện đại cho 4 triệu 30 vạn quân Tưởng, cộng với vũ khí lấy của 1 triệu lính Nhật). Năm 1947, giặc Tưởng đánh chiếm Diên An. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc vẫn hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

- Ngày nay, với Liên Xô và các nước anh em khác, Trung Quốc tận tình giúp đỡ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam thật là:

Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình,

Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời!

Riêng về phần tôi, trong hai thời kỳ, tôi đã có vinh dự hoạt động trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đến Quảng Châu hồi 1924 - 1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó. Lúc đó, ở Trung Quốc phong trào công nông đang lên mạnh. Từ tháng 5-1925 trở đi, hầu khắp các thành phố lớn đều có những cuộc bãi công chính trị. To nhất là cuộc bãi công chống đế quốc Anh ở Hương Cảng, hơn 25 vạn công nhân tham gia và kéo dài đến 16 tháng. Phong trào nông dân cũng bắt đầu mở rộng, nhất là ở Hồ Nam (do đồng chí Mao Trạch Đông tổ chức), và ở Quảng Đông (do đồng chí Bành Bái lãnh đạo). Để đẩy mạnh phong trào nông dân, đồng chí Mao tổ chức “Nông dân vận động giảng tập sở” để đào tạo cán bộ nông vận cho 19 tỉnh trong nước.

Tôi được tham gia việc dịch tài liệu nội bộ và việc “tuyên truyền đối ngoại”, tức là viết bài về phong trào công nông cho một tờ báo bằng chữ Anh.

Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc (cuối 1938) vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong “Bát lộ quân”, tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm bí thư chi bộ (kiêm phụ trách nghe rađiô) của một đơn vị ở Hành Dương.

(Thế là tôi học được một ít kinh nghiệm xây dựng Đảng, khi ở Liên Xô; kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, khi ở nước Pháp; kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến, khi ở Trung Quốc). Trong lúc đó, các đồng chí Trung Quốc ra sức giúp tôi chắp liên lạc với trong nước ta. Trung ương ta có phái đồng chí X. ra Long Châu tìm tôi. Tiếc vì X. bị một người “bạn” xoáy hết tiền, phải trở về nước trước khi tôi đến Long Châu.

Nhưng sau đó, các đồng chí Trung Quốc vẫn giúp tôi chắp được liên lạc để về nước hoạt động...

Nói tóm lại: Vì cùng chung một mục đích cao cả, những người cộng sản khắp thế giới vừa đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản, vừa có cảm tình khăng khít thương yêu nhau như anh em một nhà.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân ta gửi đến Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại, đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông yêu quý lời chúc mừng thân ái nhất và nhiệt liệt nhất!

HỒ CHÍ MINH

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2658, ngày 1-7-1961, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.147-150.

1. Bài viết nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.