Trước đây ít lâu, công nhân Nhà máy cơ khí Gia Lâm vẫn cắt đũa hàn theo lối thủ công. Cố gắng hết sức, mỗi người cũng chỉ cắt được 17 kilô đũa hàn một ngày. Tộ và Lục, hai công nhân trẻ tuổi, đã nghĩ ra một kiểu máy cắt đũa hàn, và nhặt sắt cũ làm thành chiếc máy đầu tiên. Chiếc máy đơn giản ấy cắt được 90 kilô đũa hàn một ngày. Năng suất lao động lên gấp hơn năm lần so với trước.

Từ việc này, có thể nghĩ rộng ra trăm, nghìn việc khác:

Người đời xưa dùng gậy để xới đất, không thể nào nhanh bằng lối cày, bừa có trâu kéo ngày nay. Nhưng chiếc cày của nông dân ta hiện nay, mỗi ngày chỉ cày được ba, bốn sào ruộng (khoảng từ 1.080 đến 1.440 thước vuông), lại không sao sánh kịp chiếc máy kéo có thể cày từ 30.000 đến 50.000 thước vuông một ngày.

Một người thợ thủ công lành nghề, trên chiếc khung cửi thô sơ của mình, mỗi ngày chỉ dệt được từ bảy đến mười thước vải. Trong khi đó, một người thợ trung bình ở Nhà máy dệt Nam Định cũng có thể coi được sáu máy dệt, dệt mỗi ngày khoảng 120 thước vải.

Trên các công trường xây dựng, có những người gánh rất khỏe, nhưng dù họ gánh khỏe đến đâu cũng không bằng sức chở của loại xe đơn giản nhất.

Rõ ràng là: Công cụ nào, năng suất ấy. Cho nên cải tiến công cụ sản xuất là cách tốt nhất để nâng cao năng suất lao động. Nhưng có công cụ tốt chưa đủ, mà còn phải có người sản xuất tốt. Cũng với máy móc ấy, dụng cụ ấy, mà người này đạt năng suất cao hơn người khác là tại sao? Một là tại người này cố gắng dùng hết tám giờ trong ngày làm vào công việc sản xuất, còn người kia đã để phí một phần thời giờ vào những việc khác. Hai là tại người này thành thạo hơn trong công việc, còn người kia chưa nắm vững kỹ thuật, chưa làm chủ được máy móc. Vậy muốn nâng cao năng suất lao động, thì phải biết quý từng giây, từng phút trong lúc sản xuất; phải luôn luôn chăm lo học tập kỹ thuật, nắm vững kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật. Lao động cần cù và sáng tạo. Không lúc nào chịu dừng bước trên con đường cải tiến sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Không lúc nào chịu "giẫm chân một chỗ" trong vũng lầy bảo thủ. Đó là một đức tính rất quý của người lao động xã hội chủ nghĩa.

C.K.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2168, ngày 24-2-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.495-496.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.