Cuộc đàm phán ở cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu từ 1-8-1955 tại Giơnevơ để giúp giải quyết vấn đề hồi hương thường dân của hai bên, và một số vấn đề quan trọng khác, nhất là vấn đề tình hình căng thẳng ở Đài Loan. Cuộc đàm phán đó là một sự kiện có lợi cho hòa bình. Nếu hai bên cùng cố gắng làm cho cuộc đàm phán đi đến thành công thì sẽ cải thiện được quan hệ giữa hai nước và sẽ cống hiến nhiều cho hòa bình châu Á và hòa bình thế giới.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ từ trước tới nay vốn không được tốt. Những hành động của giới cầm quyền Mỹ như xâm lược Bắc Triều Tiên, mưu tấn công Đông Bắc Trung Quốc, chiếm đóng Đài Loan, đất đai của Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc khôi phục địa vị chính đáng của mình ở Liên hợp quốc, ngăn cản kiều dân Trung Quốc hồi hương… đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nhân dân Trung Quốc, uy hiếp nghiêm trọng hòa bình và an ninh của Trung Quốc. Tình hình châu Á và tình hình thế giới cũng do những hành động đó mà trở nên rất găng. Vấn đề Đài Loan hiện nay là vấn đề gay go nhất ở Viễn Đông và châu Á. Lợi ích của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Mỹ, lợi ích của hòa bình châu Á và hòa bình thế giới đòi hỏi hai nước cần phải cải thiện những mối quan hệ hiện nay.

Kinh nghiệm cho ta thấy rõ những vấn đề tranh chấp quốc tế dù khó khăn đến đâu cũng đều có thể và cần phải giải quyết bằng phương pháp thương lượng. Cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, ở Đông Dương đều đã được giải quyết bằng phương pháp thương lượng.

Vấn đề Áo, vấn đề quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư cũng đã được giải quyết bằng phương pháp thương lượng. Đó là những bằng chứng cụ thể. Hội nghị bốn nước lớn ở Giơnevơ vừa qua mở đầu cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa những nước lớn bằng phương pháp thương lượng.

Trước sau, Trung Quốc vẫn chân thành chủ trương dùng phương pháp thương lượng để giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là vấn đề tình hình căng thẳng ở Đài Loan do Mỹ gây nên. Tháng 4-1955, tại Hội nghị Á - Phi, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng ngồi với Mỹ để bàn việc làm dịu và trừ bỏ tình hình căng thẳng ở Đài Loan. Đề nghị vì hòa bình ấy của Trung Quốc bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối ngay lúc đó, khiến dư luận quốc tế rất bất bình. Đối với cuộc đàm phán hiện nay, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ thành khẩn muốn đi đến kết quả tốt. Ngày 30-7-1955, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố rõ ràng rằng: “Về phía Trung Quốc, căn cứ vào lập trường trước sau như một cố gắng làm cho tình hình bớt căng thẳng, sẽ tranh thủ làm cho cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ mở đường cho cuộc đàm phán sau này giữa hai nước. Cũng như trước kia, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ không ngừng cố gắng giữ gìn hòa bình thế giới lâu dài”. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhiệt liệt hoan nghênh thái độ tích cực xây dựng của Trung Quốc.

Phía Mỹ cần phải tỏ ra có sự cố gắng thực tế, có tinh thần thực tế trong khi đàm phán thì cuộc đàm phán tất phải mang lại kết quả tốt.

T.L.

------------

Báo Nhân Dân, số 517, ngày 2-8-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.