Tháng 10-1954, Bắc Kinh xử một vụ mật thám của Mỹ. Vụ này không những là một bài học cảnh giác cho anh em Trung Quốc, mà cũng là một kinh nghiệm cảnh giác cho chúng ta. Xin tóm tắt thuật lại như sau:

Thời gian - Trước và sau năm 1951.

Địa điểm - Bắc Kinh và những nơi khác.

Nhân vật - Vương Tuệ Văn, một giảng sư về vật lý học ở trường Đại học Phụ Nhân.

Trần Tổ Hán, làm nghề bán thuốc tây, thường mượn nghề dược sĩ để đi do thám nơi này nơi khác.

Lý Mẫn Tuệ, vợ Trần, là một người đàn bà phù hoa.

Vu Bảo Liêm, nhân viên Tổng cục Đường sắt Đông Bắc.

Ngoài ra, có L là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, thì sơ suất, thiếu cảnh giác.

Vu là đồng học, lại là anh vợ của Tổng cục trưởng L, cho nên được giới thiệu làm việc ở Tổng cục, thường lui tới nhà L để dò thăm tin tức. Một hôm, Vu nói: "Nghe tin Mỹ sắp ném bom, chúng ta phải đề phòng thế nào?".

L thiếu cảnh giác, đã vì tình nghĩa riêng mà giới thiệu Vu vào Tổng cục, lại hay bô lô ba la. Nghe Vu hỏi, L phụt miệng nói ngay: "Không sợ! Chúng ta có X máy bay kiểu Y ở trường bay Z. Mỗi ngày chúng ta có A xe lửa vẫn chở B vũ khí và lương thực sang Triều Tiên cho Quân tình nguyện. Chúng ta không sợ bom Mỹ...".

L đối với tài liệu nội bộ của Đảng, lại hay gặp đâu để đó. Vì vậy, Vu cũng dò được nhiều tin tức quan trọng.

Thế là vô tình mà L đã thành một cái kho vô tận cho bọn đặc vụ Mỹ lấy tình báo.

Mỗi ngày, trời vừa tối, ở quán cà phê M tại Bắc Kinh, thường có một phụ nữ độ 30 xuân xanh, ăn mặc lịch sự, cùng một người cán bộ dáng điệu thanh tao, tươi vui và kín đáo nói chuyện. Đó là Lý Mẫn Tuệ trao đổi tình báo với Vương Tuệ Văn.

Thường thường, tại trường Đại học Phụ Nhân (Bắc Kinh), đêm khuya thanh vắng, Vương lén vào phòng thí nghiệm, rón rén giở bộ radio của Mỹ giấu sau những máy móc của nhà trường, điện tin cho cơ quan đặc vụ Mỹ những tin tức Vu và Trần đã dò được mà Lý đã chuyển cho nó; rồi nhận những chỉ thị mới của đặc vụ Mỹ.

Ngày hôm sau, Vương lại là một vị thạc sĩ vật lý học, một giảng sư thanh niên "tư tưởng tiến bộ, công tác tích cực", "cử chỉ khiêm tốn, thái độ trung thành", "ham đọc các sách mácxít, hết lòng giúp đỡ học trò". Năm 1950, sau khi đã được đặc vụ Mỹ đồng ý, Vương xin vào Đoàn Thanh niên dân chủ. Mà cũng chính trong lúc ấy, Vương hoạt động đặc vụ gắt gao.

Vương, Vu, Trần, Lý là một tổ đặc vụ "nằm kín" của Mỹ. Dây liên lạc đặc vụ đi từ Bắc Kinh đến Hương Cảng, từ Hương Cảng đến Đông Kinh[1] (Nhật Bản), từ Đông Kinh đến Thủ đô Mỹ.

Mục đích của chúng là do thám những tình báo về quân sự, chính trị và kinh tế. Đồng thời chúng liên lạc với những phần tử bất mãn, phản động, yếu bóng vía, lập thêm nhóm đặc vụ mới; tổ chức vũ trang bí mật; theo mệnh lệnh Mỹ thi hành những cuộc phá hoại.

Tuy chúng rất xảo quyệt, nhưng không che giấu được tai mắt thông minh của nhân dân, không lẩn trốn khỏi sự chú ý của công an và bộ đội ta. Một hôm vào tháng 7-1951, tấm lưới của công an xếp lại: Trân bị bắt trên xe lửa đi Trường Xuân. Vu bị bắt ở Thẩm Dương. Vương bị bắt ở Bắc Kinh. Những radio, tài liệu, giấy má bí mật và tang chứng khác của chúng đều bị bắt được hết.

Tháng 10-1954, trước Tòa án quân sự thuộc Quân quản ủy hội (Bắc Kinh), bốn tên phản quốc, cam tâm làm chó săn cho Mỹ, đã phải cúi đầu nhận tội và bị án tử hình.

Còn ông Tổng cục trưởng thì bị "hạ từng công tác".

Cảnh giác, cảnh giác, lại cảnh giác. Đó là câu châm ngôn mà tất cả chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ vào lòng.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 562, ngày 16-9-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.136-138.


[1]. Tức Tôkyô (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.