Hồi đầu tháng 2, trong cuộc họp lần thứ 4 của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Mao Chủ tịch nêu lên 3 việc: Ra sức chống Mỹ, giúp Triều; học tập Liên Xô trong công cuộc xây dựng theo quy mô lớn; chống bệnh quan liêu mệnh lệnh.

Sau đây là tóm tắt bản báo cáo của đồng chí An Tử Văn, Thứ trưởng Bộ Tổ chức của Đảng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nhân sự của Chính phủ.

Cuộc 3 chống (quan liêu, tham ô, lãng phí) bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 1952 thì kết thúc. Từ cấp huyện trở lên, có 3.836.000 đảng viên tham gia. Có hơn 105.000 người phạm lỗi hoặc nặng, hoặc nhẹ. Ở xã, thì dùng cách chỉnh huấn cán bộ, kiểm tra công tác, và biên chế nhân viên, gắn liền với việc chỉnh Đảng để giải quyết việc 3 chống. Kết quả, cuộc 3 chống đã làm cho các cơ quan chính quyền trở nên trong sạch, trình độ giác ngộ của nhân viên được nâng cao, cách làm việc được cải tiến, mối quan hệ giữa nhân dân và Đảng cùng Chính phủ thêm chặt chẽ.

Tháng 3-1951, Trung ương Đảng quyết định: Trong 3 năm thì chỉnh đống xong các chi bộ. Việc này phải có kế hoạch, có chuẩn bị, có lãnh đạo chặt chẽ. Để thực hiện việc chỉnh Đảng, Đảng đã huấn luyện một số cán bộ rất đông, rồi đưa về các xã để thí nghiệm. Đồng thời dạy cho toàn Đảng về tư cách của một người đảng viên. Tiếp đến kiểm tra từng đảng viên. Tẩy những phần tử xấu đi, còn những phần tử không đủ điều kiện mà cũng không thể tiến bộ thì khuyên họ tự động xin ra khỏi Đảng.

Từ cuối năm 1951 đến cuối năm 1952, Đảng đã phái 10 vạn cán bộ (đã được huấn luyện về việc chỉnh Đảng) đi thí nghiệm ở 12.000 chi bộ xã. Cuối năm 1952, rút kinh nghiệm ấy mà chỉnh đốn 4 vạn chi bộ xã. Đầu năm 1954, thì sẽ chỉnh đốn xong tất cả 18 vạn chi bộ xã.

Sau cuộc kiểm tra, thì 90% đảng viên đủ điều kiện. Độ 3 đến 5% không đủ điều kiện, xin ra ngoài Đảng. Độ 5 đến 7% là phần tử xấu, bị khai trừ.

Ở các xã, bệnh tham ô lãng phí cũng có, nhưng nghiêm trọng nhất là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, làm trái pháp luật. Những người phạm lỗi nặng quá thì bị khai trừ, và do Chính phủ xử phạt.

Chủ trương của Đảng là mọi công tác đều phải dùng cách giải thích rõ ràng cho quần chúng và thuyết phục quần chúng. Nhưng ở nhiều xã, thì cán bộ dùng mệnh lệnh để bắt buộc, cưỡng bức quần chúng. Họ không những dùng mệnh lệnh trong việc thu thuế nông nghiệp và động viên dân công, mà đối với những việc có lợi trực tiếp cho dân, như tăng gia sản xuất, thực hành vệ sinh, họ cũng dùng mệnh lệnh, cưỡng bức. Vài thí dụ: như việc đào giếng để chống hạn ở Sơn Đông. Cán bộ bắt buộc dân đào giếng, thậm chí đưa dân quân bao vây phiên chợ, để bắt mọi người đi đào giếng. Kết quả là 3 phần 4 số giếng đã đào không dùng được. Lại như: Chính phủ phát hạt bông tốt cho dân. Cán bộ đưa hạt bông phát cho từng nhà, bắt dân nhổ bông của họ trồng đã có hoa, để gieo hạt bông của Chính phủ. Ai không chịu, thì bị cán bộ đánh đập.

Những phần tử làm trái phép, còn phạm những tội nặng hơn nữa, như: chửi rủa quần chúng, bắt bớ bừa bãi, đánh đập chết người, che chở cho bọn phản động, v.v.. Ai phê bình họ thì bị họ trù.

Những hành động ấy đã làm thiệt hại cho quần chúng, đã phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân và Đảng cùng Chính phủ.

Đảng không thể dung thứ lề lối làm việc xấu xa ấy.

Có lề lối làm việc như thế, là vì ở cấp dưới, tổ chức không tốt, thành phần không trong sạch. Cho nên trong cuộc chỉnh Đảng, Đảng cần ra sức giáo dục đảng viên, kiên quyết sửa chữa. Đồng thời, phải khai trừ những phần tử xấu quá.

Cấp dưới mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, trái pháp luật một phần cũng vì một số cơ quan lãnh đạo cấp trên, từ trung ương đến huyện, cũng mắc bệnh ấy. Cán bộ các cơ quan ấy không hiểu rõ tình hình cấp dưới. Không biết rõ sự đau khổ của nhân dân. Khi quyết định công tác, họ không dựa vào hoàn cảnh thiết thực, mà chỉ làm theo chủ quan. Do đó, họ giao cho cấp dưới công việc quá nhiều, quá nặng, quá gấp, làm cho cấp dưới túi bụi. Họ chỉ sử dụng cán bộ, mà không giáo dục cán bộ. Họ chỉ đòi cấp dưới phải làm việc, nhưng họ không bảo cho cấp dưới biết rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm, phương pháp làm phải thế nào, lề lối làm việc phải thế nào. Họ không kiểm tra, không khen việc phải, không sửa việc trái, không giúp đỡ cán bộ tốt, không trừng trị cán bộ xấu.

Trong tổ chức của Đảng, cũng như trong cơ quan của chính quyền, cần phải kiên quyết quét sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh, trái pháp luật. Đó là một công việc thường xuyên và lâu dài.

Bắt đầu từ nay, phải xử trí những đơn do nhân dân gửi đến, phải kiểm tra công tác, phải giáo dục cán bộ, phải mở rộng tự phê bình và phê bình (trên các báo chí cũng vậy). Những việc ấy phải gắn liền với việc chỉnh Đảng và việc phát động quần chúng.

Đó là một cuộc đấu tranh lâu dài. Với sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta nhất định thắng lợi.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 107, từ ngày 16 đến ngày 20-4-1953, tr.2.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.