Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc có nhiều chuyện mới lạ. Mà mới lạ nhất, là các nhà đại tư bản hăng hái ủng hộ xã hội chủ nghĩa. Đây là một thí dụ:

Ông Lưu Vĩnh Nghiệp là một nhà đại tư bản ở Phúc Châu, làm chủ 5 xí nghiệp to, như nhà máy điện, công ty điện thoại, công ty bột mì… Trả lời câu hỏi: Vì sao ông hăng hái theo xã hội chủ nghĩa? Ông Lưu nói:

“Sự thật đã chứng tỏ rằng: Chỉ cốt thật thà ủng hộ Đảng và Chính phủ, tiếp tục cải tạo, thì những người tư bản như tôi đều được địa vị xứng đáng, được nhân dân lao động tin cậy, và được công tác xứng đáng. Nhất là trong lúc Tổ quốc xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, thì chúng tôi và con cháu chúng tôi đều có tương lai vẻ vang. Sau ngày thực hành “công tư hợp doanh”, tôi được cử làm chủ nhiệm hội công thương của tỉnh; 97 nhà tư bản khác cũng đều được giữ chức phó kinh lý, giám đốc hoặc chủ nhiệm các xí nghiệp công tư hợp doanh. Điều đó chứng tỏ rằng chúng tôi theo con đường xã hội chủ nghĩa là đúng”.

Ông Lưu nói thêm: “Từ lúc thực hành “công tư hợp doanh”, tôi vẫn được chia một số lãi khá, sinh hoạt vẫn sung sướng… Nhưng tôi tiếp thụ cải tạo, chính vì tôi muốn trở nên một người tư sản dân tộc, mong cho Tổ quốc độc lập và giàu mạnh. Mà chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa thì Tổ quốc mới giàu mạnh được… Vì lẽ đó, ngày Phúc Châu được giải phóng, có người khuyên tôi đi Hương Cảng hoặc đi Đài Loan, tôi đã cự tuyệt không đi”.

Sau khi vui vẻ thuật lại những tiến bộ của các xí nghiệp từ ngày công tư hợp doanh, ông Lưu nói:

“Cả nhà tôi ủng hộ xã hội chủ nghĩa và cố gắng phục vụ Tổ quốc. Vợ tôi là phó chủ nhiệm của Hội phụ nữ nội trợ (một bộ phận của phụ vận tỉnh), cả ngày đi phát động gia đình các nhà công thương tham gia cải tạo. Sáu đứa con tôi đều đi học. Hai đứa gái đã vào Đoàn thanh niên dân chủ mới. Chúng nó đều nói: học xong, chúng sẽ lao động để phục vụ nhân dân, chứ không cần đến tiền bạc của tôi nữa!”.

Chuyện này cho chúng ta thấy rằng: các nhà tư bản Trung Quốc có “cao kiến, viễn thức” và đã thực hiện ích nước lợi nhà.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 746, ngày 19-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.