Hai vị lãnh tụ Liên Xô là đồng chí Bunganin và đồng chí Khơrútsốp vừa sang thăm Ấn Độ, và sẽ đi thăm Diến Điện và Ápganistăng.

Ở Ấn, hàng triệu nhân dân đã nhiệt liệt hoan nghênh hai vị bạn quý. Báo chí Ấn nhận rằng xưa nay chưa bao giờ có cuộc đón tiếp nào sôi nổi, thân mật, và đông đúc như vậy.

Trong lời hoan nghênh, Thủ tướng Nêru nói: “Ấn Độ với Liên Xô là hai nước láng giềng, thân thiện với nhau là điều rất đúng. Tình hữu nghị này là cần thiết cho sự nghiệp giữ gìn hòa bình thế giới…”.

Đồng chí Bunganin nói: “Xưa nay, Ấn Độ và Liên Xô đã có những quan hệ thân thiện với nhau, và hai dân tộc luôn luôn tôn trọng lẫn nhau… Hiện nay, cả Ấn và Xô đều nhận thấy cùng chung lợi ích trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của loài người, tình hữu nghị giữa hai nước Ấn - Xô càng thêm củng cố…”.

Trả lời những tiếng hoan hô của mấy vạn nhân dân tỉnh Păngiáp, đồng chí Khơrútsốp nói: “Liên Xô làm bạn với tất cả những nước ủng hộ hòa bình, bất kỳ nước lớn, nước nhỏ, bất kỳ họ thuộc chế độ nào, chủng tộc và tôn giáo nào. Điều quan trọng là các nước đều chung một ý chí củng cố hòa bình”.

Trước tình hữu nghị thân mật ấy, bọn thống trị Mỹ và Anh nóng mũi, đâm ghen, và âm mưu chia rẽ.

Như để trả lời chúng, đồng chí Khơrútsốp nói: “Phải chăng họ muốn thi đua với Liên Xô trong sự thân thiện với Ấn Độ? Nếu vậy, thì họ hãy thi đua với chúng tôi… Các bạn Ấn Độ muốn xây dựng nhà máy nhưng thiếu kinh nghiệm ư? Chúng tôi sẽ giúp các bạn… Các bạn muốn gửi học sinh và kỹ sư sang Liên Xô học ư? Các bạn cứ gửi sang… Chúng tôi muốn thi đua về mặt đó, tốt hơn là thi đua làm bom nguyên tử và bom khinh khí…”.

Năm ngoái, các lãnh tụ Liên Xô đã sang thăm Trung Quốc, lần này sang thăm Ấn, Diến và Ápganistăng, để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân các nước. Chỉ tính 620 triệu nhân dân Trung Quốc, 220 triệu nhân dân Liên Xô, 400 triệu nhân dân Ấn - Diến - Áp, 1.240 triệu người đều chung một ý chí đấu tranh cho hòa bình, thì hòa bình chắc củng cố được. Đó là ý nghĩa to lớn của cuộc đi thăm này.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 636, ngày 29-11-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.