Một điều khác nhau nữa: Trước kia, từ bọn quyền quý, quân phiệt đến bọn lưu manh côn đồ đều là loài ăn bám. Hiện nay, loại người vô dụng ấy đã bị sa thải không còn. Mọi người đều tùy sức mình mà lao động, học tập và tiến bộ.

Về tất cả mọi mặt, Bắc Kinh thật xứng đáng là một thủ đô của một nước xã hội chủ nghĩa với 650 triệu nhân dân.

Trên đường về nước

Sáng 25-8 - Lên tàu bay trở về Hà Nội. Ra sân bay Bắc Kinh tiễn Bác có các đồng chí Chu Ân Lai, Trần Nghị, Vương Gia Tường và nhiều đồng chí Trung Quốc khác, cùng các đồng chí ở Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh.

Trên tàu bay, sau khi nghe rađiô, Bác vui vẻ bảo cho chúng tôi biết một tin mừng: Đồng chí Chu Ân Lai vừa báo cáo trước Quốc hội rằng:

Năm nay, Trung Quốc đã căn bản hoàn thành kế hoạch năm năm lần thứ 2 (1958 - 1962), tức là hoàn thành trước thời hạn ba năm. Có những ngành thì xấp xỉ con số kế hoạch, những ngành chính thì hoàn thành vượt mức, thí dụ:

Con số định trong kế hoạch năm năm thứ 2 (1958 - 1962)

Hoàn thành trong năm nay

So với năm 1958 đã tăng

Gang 10 triệu 50 vạn tấn

Than 210 triệu tấn

Lương thực 250 triệu tấn

12 triệu tấn

335 triệu tấn

275 triệu tấn

50%

24%

10%

Về nông nghiệp, hiện nay Trung Quốc có hơn 26.000 công xã nhân dân, gồm 99% tổng số nông họ. Sản lượng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch định cho năm 1967 (theo Cương lĩnh phát triển nông nghiệp trong 12 năm).

Tiếp theo tin mừng đó, đài phát thanh giới thiệu tình hình công xã “Hồng Quang” (tỉnh Tứ Xuyên), tóm tắt như sau:

Năm ngoái, 73 hợp tác xã cấp cao hợp thành công xã “Hồng Quang”, với 16.000 nông hộ, 71.000 người, 8.600 mẫu tây ruộng đất. Từ đó, công xã nhiều người, nhiều sức, nhiều vốn, đã mua được 46 chiếc máy cày. Tự đào mương phải đủ tưới tất cả ruộng đất.

Đã xây được 11 trạm điện nhỏ, đủ dùng trong xã và còn để gia công cho mậu dịch, thu được hơn mười vạn đồng. Đã xây dựng 140 công xưởng nhỏ, kinh doanh hơn 20 nghề phụ.

So với năm ngoái thì tổng sản lượng năm nay tăng 70%. Đời sống vật chất và văn hóa của xã viên được nâng cao nhiều. Công xã đã có:

230 nhà gửi trẻ,

100 vườn giữ trẻ,

5 nhà thương, trung bình cứ 1.000 xã viên thì có một thầy thuốc,

9 nhà đỡ đẻ,

6 trường trung học,

33 trường tiểu học,

26 trường (chuyên, hồng) dạy ban đêm,

200 nhà ăn công cộng, mức ăn đã hơn mức của trung nông lớp trên.

Trong thời kỳ hợp tác xã, có 10% nông hộ “chi nhiều hơn thu”. Hiện nay, thu nhập của xã viên đều tăng, gia đình nào cũng đầy đủ...

Về đến Hà Nội

Được theo Bác đi thăm các nước anh em, thật là sung sướng. Nhưng khi về đến Tổ quốc, trong lòng khôn xiết vui mừng!

Đáng lẽ về đến chiều hôm qua, nhưng các đồng chí Trung Quốc sợ Bác mệt, mời Bác nghỉ lại Vũ Hán. Sáng nay bay từ Vũ Hán về nhà.

Ra sân bay Hà Nội đón Bác có các đồng chí Trung ương, các vị Bộ trưởng và Thứ trưởng, các đồng chí trong Đoàn ngoại giao và nhiều đồng chí công nhân và bộ đội. Thế là cuộc đi nghỉ hè của Bác đã kết thúc tốt đẹp.

Trong non hai tháng qua, Bác đã thăm mười nước Cộng hòa Xôviết và 19 thành phố ở Liên Xô, đã đi đến năm tỉnh và thăm bảy thành phố Trung Quốc. Bác đã đi 23.000 cây số và đã dùng đủ cách giao thông: Tàu bay, tàu thủy, xe lửa, xe hơi. Bác đã gặp nhiều đồng chí cũ và nhiều bạn hữu mới, đã tiếp xúc với mấy mươi dân tộc khác nhau, đã thăm nhiều nông trường, nhà máy, trường học. Đến mỗi thành phố, Bác bao giờ cũng đến thăm các trại nhi đồng và các nhà gửi trẻ...

Bác luôn luôn vui vẻ, mạnh khỏe. Nhiều khi ngồi lâu trên tàu bay, hoặc lên núi xem phong cảnh, hoặc thăm xong nhà máy thì đi ngay đến nông trường, chúng tôi và các đồng chí địa phương cùng đi với Bác có vẻ mệt, nhưng không thấy Bác mệt bao giờ. Suốt thời kỳ nghỉ hè, Bác ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn lúc ở nhà; đó là một điều làm cho chúng tôi đặc biệt vui sướng.

Tục ngữ nói: “Đi một buổi chợ, học một mớ khôn”. Chúng tôi không dám nói đã học được mấy “mớ khôn”. Nhưng chúng tôi dám nói quả quyết rằng: Được tai nghe mắt thấy sự cố gắng dẻo dai, cách thi đua bền bỉ, lòng hăng hái vô cùng, sự tiến bộ nhảy vọt của nhân dân các nước anh em; chúng tôi càng tin tưởng sâu sắc rằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhất định thắng lợi, tương lai của Tổ quốc ta, của nhân dân ta thật là vẻ vang.

Thưa các đồng chí, trong báo cáo này, chúng tôi cố gắng ghi chép một cách đầy đủ, thật thà, song không khỏi có chỗ thiếu sót. Nhờ các đồng chí phê bình và bổ sung.

Vừa thảo xong báo cáo này, thì cả thế giới cũng vừa sôi nổi chúc mừng Liên Xô đã thành công phóng tên lửa lên mặt trăng, chúc mừng đồng chí Khơrútsốp đi thăm nước Mỹ nhằm mục đích làm cho tình hình quốc tế bớt căng thẳng, và hoan nghênh nhiệt liệt đề nghị của đồng chí Khơrútsốp về việc “tài giảm binh bị” để làm cho loài người được sống yên ổn và thái bình. Chúng tôi xin góp lời chúc mừng nhỏ mọn của mình với lời chúc mừng chung của cả thế giới, để kết thúc bài báo cáo này.

PH.K.A

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2011-2038, ngày 18-9 đến 15-10-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.