(LỜI TỰA CHO BẢN DỊCH CUỐN “TỈNH ỦY BÍ MẬT” CỦA PHÊĐÔRỐP)
Lần này là lần đầu tiên tôi viết bài tựa cho một quyển sách, vì quyển sách này ra đúng dịp. Nó ra trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh phong trào du kích.
Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô, ở Trung Quốc và ở nước ta chứng tỏ rằng: Du kích là một lực lượng cực kỳ to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi.
Tổ chức chặt chẽ và rộng khắp, trong vùng địch và xung quanh vùng địch, làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có du kích, thì nó thành một tấm lưới sắt, một thứ "thiên la, địa võng" mà địch không tài gì thoát ra được. Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Địch làm cái gì cũng bị phá hoại. Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, có chân tay cũng như què. Một bộ phận địch thì bị du kích tỉa dần tỉa mòn. Bộ phận địch còn sống sót, thì ăn không yên, ở không yên, nghe gió thổi chim kêu cũng hoảng sợ, rồi cũng bị du kích tiêu diệt nốt.
Du kích tổ chức khéo, thì toàn dân gái trai già trẻ, sĩ nông công thương, ai cũng có thể tham gia. Người thì lo đánh giặc, người thì lo tiếp tế, tình báo, liên lạc, tuyên truyền. Mọi người đều có dịp phụng sự Tổ quốc.
Muốn đạt mục đích ấy, cần có mấy điều chính:
- Đoàn thể và Chính phủ phải tăng cường lãnh đạo phong trào du kích.
- Tư tưởng của cán bộ và nhân dân phải thấu suốt: Tin tưởng sâu sắc vào chính sách của đoàn thể và Chính phủ. Tin tưởng sâu sắc vào lực lượng của nhân dân, vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
- Cán bộ phải đi thật sát với dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
- Nhân dân phải nồng nàn yêu nước, và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho hạnh phúc tương lai của giống nòi.
Ta sẵn có nền tảng nhân dân, chỉ cần củng cố thêm. Ta sẵn có cán bộ, chỉ cần đào tạo thêm. Ta sẵn có phong trào du kích, chỉ cần ra sức phát triển thêm. Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta, và chúng ta nhất định thành công trong việc đẩy mạnh phong trào du kích.
HỒ CHÍ MINH
----------
- Báo Nhân Dân, số 33, ngày 22-11-1951, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.236-237. (Đầu đề của bài viết này trong sách Hồ Chí Minh: Toàn tập là “Lời tựa cho bản dịch cuốn ”Tỉnh ủy bí mật” của nhà văn Liên Xô Phêđôrốp”)