Đứng trước những hành động của nhân dân Trung Quốc tích cực chuẩn bị giải phóng Đài Loan, nhất là sau khi Giải phóng quân Trung Quốc, giải phóng đảo Nhất Giang Sơn, đế quốc Mỹ và tay sai của chúng là bọn giặc Tưởng Giới Thạch lo ngay ngáy. Đế quốc Mỹ bày trò đề nghị đình chiến. Đấy chỉ là một thủ đoạn của đế quốc Mỹ hòng hợp pháp hóa việc tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, hợp pháp hóa việc chúng chiếm đóng Đài Loan. Đế quốc Mỹ lại dựng đứng lên rằng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc chuẩn bị giải phóng Đài Loan làm cho tình hình ở Viễn Đông căng thẳng!

Sự thật ai cũng rõ Đài Loan là đất của Trung Quốc từ 1.500 năm nay. Nhân dân sống trên đất Đài Loan là nhân dân Trung Quốc. Ký Hiệp định Lơ Ke năm 1943, Chính phủ Mỹ cũng đã phải chính thức thừa nhận sự thật ấy. Giải phóng Đài Loan là việc nội trị của Trung Quốc, Liên hợp quốc hay bất cứ nước nào không có quyền can thiệp. Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai, ngày 24 tháng 1 đã tuyên bố rất rõ: “... Giải phóng Đài Loan là một việc hoàn toàn thuộc chủ quyền quốc gia và nội trị của Trung Quốc, bất cứ hành động can thiệp của Liên hợp quốc hoặc một nước ngoài nào cũng không thể dung thứ được”.

Sự thật ai cũng rõ kẻ thù gây ra tình hình căng thẳng ở Viễn Đông chính là đế quốc Mỹ. Chúng đã gây ra chiến tranh xâm lược ở Triều Tiên, chúng đã cầm đầu thực dân hiếu chiến Pháp kéo dài chiến tranh ở Đông Dương. Sau khi hòa bình được lập lại ở Triều Tiên và Đông Dương, chúng xúc tiến lập khối quân sự xâm lược Đông Bắc Á; chúng đã lập khối quân sự xâm lược Đông Nam Á và đang chuẩn bị họp Hội nghị Băng Cốc để tiến thêm một bước phá hoại Hiệp định Giơnevơ, uy hiếp hòa bình và an ninh của các nước ở Đông Nam Á. Tháng 6 năm 1950, đế quốc Mỹ đã trắng trợn chiếm đoạt Đài Loan của Trung Quốc và thúc giục bọn giặc Tưởng luôn luôn xâm phạm vùng bờ biển Trung Quốc, luôn luôn xâm phạm tự do của tàu buôn các nước đi lại trên mặt biển Trung Quốc. Ngày 2 tháng 12 năm 1954 mưu tấn công lên lục địa Trung Quốc, đế quốc Mỹ cùng với bọn giặc Tưởng ký hiệp ước xâm lược Mỹ - Tưởng.

Những hành động trong những ngày gần đây của đế quốc Mỹ đối với vấn đề Đài Loan lại càng làm cho tình hình căng thẳng thêm. Ngày 23 tháng 1, tên Phó Đô đốc Pơraiđơ, chỉ huy hạm đội thứ 7 của Mỹ đã cấp tốc sang Đài Loan họp bàn với bọn giặc Tưởng Giới Thạch và các nhân viên quân sự Mỹ. Cùng ngày 23 tháng 1, đế quốc Mỹ cho 3 hàng không mẫu hạm và một số tàu chiến tiến về vùng đảo Đại Trần. Ngày 26 tháng 1, Hạ nghị viện Mỹ chính thức chuẩn y cho Aixenhao được phép dùng quân đội để che chở cho Đài Loan và các đảo khác. Những hành động ấy của đế quốc Mỹ đều phơi trần đế quốc Mỹ không hề có ý muốn làm cho tình hình ở Viễn Đông bớt căng thẳng. Trái lại, mọi hành động của đế quốc Mỹ đều nhằm mục đích gây chiến tranh.

Quyết tâm giải phóng Đài Loan của nhân dân Trung Quốc rắn như đá, vững như đồng. Lịch sử đã chứng minh những kẻ nào mưu xâm lược Trung Quốc, can thiệp vào nội trị Trung Quốc đều bị nhân dân Trung Quốc đánh vỡ sọ. Số phận phát xít Nhật xâm phạm vào Trung Quốc những năm 1937-1945, số phận đế quốc Mỹ can thiệp nội trị Trung Quốc những năm 1946-1949 là những gương tầy liếp cho bọn Aixenhao, Đalét.

Giải phóng Đài Loan, một bộ phận của Trung Quốc, là một hành động chính nghĩa của nhân dân Trung Quốc. Giải phóng Đài Loan, một nơi mà đế quốc Mỹ cố biến thành căn cứ quân sự xâm lược của chúng ở Thái Bình Dương, là đảm bảo cho việc thông thương quốc tế được tự do trên mặt biển Trung Quốc, là củng cố hòa bình, làm cho tình hình ở Viễn Đông bớt căng thẳng.

Các dân tộc tha thiết với chủ quyền của mình, tất cả những người thật tâm muốn làm cho tình hình Viễn Đông và thế giới bớt căng thẳng đều đồng tình và nhiệt liệt ủng hộ công cuộc giải phóng Đài Loan của nhân dân Trung Quốc.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 332, ngày 28-1-195­5, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.289-291.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.