Ta có câu tục ngữ "Có thực, mới vực được đạo". Trung Quốc có câu "Dân lấy ăn làm trời". Hai câu ấy rất đúng. Vì vậy, giải quyết vấn đề lương thực là một việc quan trọng bực nhất cho chính quyền và nhân dân. Được mùa thì giải quyết dễ hơn.

Do nhân dân thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, lại được mưa gió thuận hòa, năm nay, Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác đều được mùa.

- Liên Xô - Ở Ucơraina, Côcadơ, vùng sông Vônga... mỗi mẫu tây thu hoạch 20 đến 22 tạ thóc. Những nông trường ở Mônđavi thu hoạch gấp 2 mức đã định. Châu Xtalingrát thu hoạch gấp 3 năm ngoái...

- Trung Quốc - Các tỉnh An Huy, Sơn Đông, Hà Nam, Chiết Giang, Tân Cương v.v., đều được mùa. Như tỉnh An Huy đã thu hoạch 508 vạn tấn lương thực, quá mức đã định 23 phần 100 và so với năm 1952 thì hơn 45 vạn tấn. Tỉnh Hà Nam là nơi nhiều sông, những ruộng ven sông Hoàng Hà, thu hoạch gấp 2, có chỗ gấp 3.

- Ba Lan - Theo báo cáo của Bộ Nông lâm (18-9), mỗi mẫu thu hoạch hơn năm ngoái 100 kilô.

- Tiệp Khắc - Được mùa nhất trong 10 năm qua. Mỗi mẫu tây được 3 tấn thóc. Ở các nông trường quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp, mỗi mẫu được 4 tấn, có nơi 5 tấn.

Các nước bạn Hunggari, Rumani, Anbani cũng đều được mùa. Ở Rumani, có nơi mỗi mẫu thu hoạch được gần 6 tấn thóc.

Vì được mùa, số lương thực dự trữ của Nhà nước cũng được tăng nhiều. Thí dụ ở Liên Xô chỉ tính bốn nước Cộng hòa và 18 châu, số ấy đã vượt mức hơn 330 vạn tấn.

Theo báo cáo các địa phương thì miền Bắc nước ta (trừ mấy nơi bị bão nặng) cũng có hy vọng được mùa. Nhưng chúng ta chớ chủ quan.

Bao giờ thóc đã vào kho,

Mới là chắc chắn ấm no, được mùa.

C.B.

-----------

- Báo Nhân Dân, số 610, ngày 3-11-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.187-188.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.