Một hôm đầu năm 1950, một cặp vợ chồng lạ mặt, đến làng Thanh Cư (tỉnh Tứ Xuyên) xin ở nhờ. Hôm sau, 2 vợ chồng làm cơm mời bà con trong làng, và tự giới thiệu là Dương Đại Phát, quê ở Thành Đô, nghề bán thuốc lá. Nhưng vì buôn thúng bán mẹt, không có tiền đồ, vợ chồng quyết tâm làm nghề cày ruộng.

Rồi hai người dần dà đi thăm láng giềng để gây cảm tình, hoặc kết nghĩa anh em, hoặc nhận cha mẹ nuôi. Hai vợ chồng thuê ruộng cày. Phát rất cần cù, không quản mưa nắng, suốt ngày cày cuốc, làm cỏ bỏ phân... Kết quả Phát được bầu làm trưởng tổ đổi công. Việc gì khó nhọc nhất, Phát cũng xung phong làm. Trong cuộc cải cách ruộng đất, Phát đấu tranh rất hăng. Được chia quả thực, Phát quyên một nửa cho quỹ nông hội. Mùa thuế nông nghiệp, Phát chọn thứ thóc tốt nhất để nộp, và nộp trước mọi người. Phát làm nhiều nói ít; tính tình hiền lành. Trong làng ai cũng khen Phát tốt.

Nhưng có vài anh em nông dân nghi ngờ và bí mật bảo nhau: “Quái! Phát là người Thành Đô, vì sao không trở về Thành Đô? Vì sao khi mới đến, vợ chồng Phát ăn mặc bảnh thế? Vì sao Phát rất thân mật với những người Quốc dân đảng cũ trong làng?”

Thế rồi họ bí mật để ý đến mọi hành động của Phát. Công an cũng để ý. Những người Quốc dân đảng cũ, nay đã được cải tạo, cũng báo cáo cho công an biết Phát lôi kéo họ thế nào.

Chứng cớ đã đủ, hôm 17-6, trước Tòa án nhân dân, người “nông dân kiểu mẫu” Phát đã thú nhận là Dương Tiến Hưng, một đặc vụ cao cấp của Tưởng Giới Thạch, đã từng giết hại nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có Tướng quân Dương Hổ Thành và mấy đồng chí Tỉnh ủy Tứ Xuyên.

Kết luận: Bất kỳ ở đâu, bất kỳ công việc gì, chúng ta phải hết sức cẩn thận và cảnh giác đối với những kẻ “lai lịch bất minh”.

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 590, ngày 14-10-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.