Trung học và tiểu học dân lập thì nhiều lắm.
Hương Nhạc các trang chỉ trong năm ngày đã lập được bốn trường “chuyên hồng” cho 140 ủy viên chi bộ Đảng, Đoàn, và các đội trưởng sản xuất ở hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi tuần học hai tối, về chính trị, văn hóa và kỹ thuật nông nghiệp. Và một trường trung học nông nghiệp với 30 học sinh đều là nông dân thanh niên có trình độ cao đẳng tiểu học. Chương trình học gồm có chính trị, văn hóa, số học và kỹ thuật nông nghiệp.
Huyện Bồ Điền (Phúc Kiến) cuối tháng ba năm nay đã có 105 trường trung học dân lập với 7.900 học sinh.
Không xin thêm một đồng tiền nào, vùng Bắc Kinh năm nay sẽ lập thêm 166 trường trung học (hiện nay đã có 197 trường).
Tiểu khu Thông Châu định lập 23 trường trung học nông nghiệp, nhưng quần chúng yêu cầu lập 52 trường. Trong năm ngày, đã lập được 33 trường nông nghiệp và một trường Đảng. Xã Mạ Kiều, chỉ trong 3 ngày đã lập xong 4 trường trung học. Trong một tuần, 5 hợp tác xã nông nghiệp đã nhường ra 28 gian nhà để làm lớp học. Nông dân nói: “Cốt xây dựng cho được trường học, cần thứ gì chúng tôi cũng cố gắng cung cấp được”.
Khu phố “Giải Phóng” (Thiên Tân), chỉ trong một ngày chủ nhật và chỉ tốn 1 đồng 5 hào (để khắc con dấu của trường) đã lập được một trường trung học.
Nhân dân khu phố đã tự động cho mượn 20 gian nhà đủ chỗ cho hơn 300 học sinh. Các cơ quan, nhà máy, trường học và nhân dân trong phố đã giúp đủ các thứ thiết bị. Chị em phụ nữ thì biếu bóng đèn điện, ấm chén nước chè, bút, mực, chổi, … Bà con ở gần trường thì bao cung cấp nước uống…
Các giáo viên và anh em học sinh cao đẳng trong phố đều xung phong phụ trách giảng dạy. Các xí nghiệp thì bao cho học sinh đến tham gia sản xuất. Nói tóm lại, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, toàn dân trong phố coi trường trung học ấy là một nhiệm vụ vẻ vang của mình, ai cũng hăng hái góp phần xây dựng và phát triển nó.
Không phải nơi nào và lúc nào xây dựng trường trung học dân lập cũng dễ dàng và không gặp khó khăn. Ví dụ: Có giáo viên cho rằng trường dân lập điều kiện kém cỏi không bằng trường quốc lập; làm giáo viên trường dân lập không có tương lai…
Có học sinh cho rằng trường dân lập không có nhà cửa đàng hoàng; thầy dạy không phải là những người tốt nghiệp ở đại học ra; vừa học vừa lao động không xứng đáng với thể diện của “các cậu các cô” trung học; chủ tịch xã hoặc chủ tịch hương làm hiệu trưởng thì không oai; dân lập không chính quy bằng quốc lập… Và nhiều thắc mắc khác.
Gặp những khó khăn như thế chi bộ phải nhẫn nại, phải chịu khó giải thích và thuyết phục. Dùng lực lượng của toàn Đảng, toàn dân mà làm, thì khắc phục được khó khăn, và thành công tốt đẹp trong việc phát triển các trường dân lập.
Nói tóm lại, trước kia, hễ nói đến việc lập trường học, thì cán bộ và nhân dân nghĩ ngay đến xin Chính phủ cho tiền và phái giáo sư; họ nghĩ rằng không ỷ lại vào Chính phủ thì không thể nào lập được trường học, nhất là trung học và đại học. Nay “mê tín” ấy đã bị đánh tan. Sự thật đã chứng tỏ rằng: các cấp ủy đảng có quyết tâm, lãnh đạo vững chắc, biết dựa vào sáng kiến và lực lượng của quần chúng, thì nhất định thành công trong việc lập trường học cũng nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
Cần công, kiệm học, kết hợp giáo dục với sản xuất, nó làm cho học sinh tiến bộ về tư tưởng chính trị cũng như về thân thể; nó nâng cao chất lượng giáo dục và công tác nghiên cứu khoa học. Nhà trường có xưởng máy và nông trường, xưởng máy và nông thôn có trường học; như vậy, lao động chân tay và lao động trí óc dần dần kết hợp với nhau, đó là một trong những điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Cần công, kiệm học đối với Nhà nước, đối với trường học và đối với học sinh đều rất có lợi. Nó giúp đẩy mạnh cuộc cách mạng văn hóa và cách mạng kỹ thuật.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng: Ở nhiều trường, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Đoàn, hiệu trưởng và giáo sư cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với học sinh, đã làm cho nhà trường thành một gia đình vui vẻ và đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là một kinh nghiệm tốt mà trường học Việt Nam ta nên noi theo.
Kinh tế tiến bộ nhảy vọt, thì văn hóa cũng phải tiến bộ nhảy vọt, vì công nhân và nông dân cần kỹ thuật để đẩy mạnh việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cần văn hóa để sử dụng kỹ thuật.
Thế là công nông trí thức hóa. Muốn vậy thì phải có nhiều, rất nhiều trường học. Nhưng nếu chỉ cứ nhờ Chính phủ trung ương lập trường học để đáp ứng đầy đủ sự nhu cầu của hàng trăm triệu nhân dân thì rất khó và chậm, trước hết là vì ngân sách quá lớn, số giáo viên quá nhiều. Phong trào trường học “dân lập” đã giải quyết khó khăn ấy.
Mặt khác, những học sinh ở các trường “quốc lập” cần phải cải tạo tư tưởng, rèn luyện thân thể, lý luận đi đôi với thực hành, học tập đi đôi với sản xuất. Có như thế, họ mới trở nên người “văn võ kiêm toàn”, những người “đã hồng lại chuyên” để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thế là trí thức công nông hóa. Muốn đạt mục đích đó, cách tốt nhất là “cần công, kiệm học”, nghĩa là vừa học vừa lao động chân tay.
Kết hợp hai việc nói trên, hiện nay Trung Quốc đang thực hiện khẩu hiệu: Tỉnh nào cũng có đại học, huyện nào cũng có trung học, xã nào cũng có tiểu học. Và nhiều nơi đã thực hiện vượt mức khẩu hiệu ấy.
Các trường quốc lập:
Trước kia, nội dung học thường không liên hệ chặt chẽ với việc sản xuất và xây dựng, nó xa rời thực tế, xa rời những nhu cầu và tổ chức của nhân dân. Cho nên khi đến nhà máy và nông thôn, học trò không áp dụng được những cái họ đã học trong trường. Cần công, kiệm học giúp cho học trò khi tốt nghiệp thì kỹ thuật đã thông, lao động cũng thạo.
Hơn nữa, “cần công, kiệm học” đã biến những phòng và vườn thí nghiệm của nhà trường thành những nhà máy và nông trường sản xuất thật sự, do đó mà nhiều trường đã tự lực cánh sinh, tự cấp tự túc, đỡ cho ngân sách nhà nước rất nhiều, để thêm tiền vốn xây dựng những xí nghiệp mới. Vài ví dụ:
- Trường cơ khí cao đẳng ở Tây An (làm các thứ máy cho tàu bay) và một số trường khác đã hoàn toàn tự cấp, tự túc.
- Ở các trường đại học Thượng Hải, ngoài những hoạt động cần công, kiệm học ở nhà trường, trong kỳ học từ năm đầu đến năm tốt nghiệp, học sinh phải lao động một năm ở nhà máy hoặc ở nông thôn.
Nhiều khi thầy và trò đến tận nhà máy hoặc nông trường, vừa dạy học, vừa thực tập.
- Ngoài những khoa giáo dục lao động trong lớp, các trường đại học Nam Kinh mỗi ngày có những giờ nhất định để làm vệ sinh, nuôi gà lợn, trồng hoa màu... Chủ nhật và nghỉ hè thì về lao động ở các hợp tác xã nông nghiệp. Trong thời gian ở trường học, mỗi học sinh ít nhất cũng phải tham gia lao động chân tay một nghìn tiếng đồng hồ.
- Các trường đại học Vũ Hán hiện nay đã có hơn 20 xưởng máy, sản xuất xi măng, gạch ngói, nghề mộc, xưởng gang thép mỗi năm sản xuất hơn 15.000 tấn, v.v.. Và có nông trường trồng trọt và chăn nuôi. Vườn Mítsurin đang thí nghiệm mỗi mẫu tây lúa một vụ sẽ sản xuất 75 tấn, lúa hai vụ sản xuất 112 tấn.
Những xí nghiệp ấy đều do thầy và trò tự xây dựng lấy với những khả năng sẵn có của trường mình, chứ không xin Chính phủ cấp thêm một đồng tiền nào.
- 11 trường trung học quốc lập ở Quảng Tây có 109 xưởng máy nhỏ phục vụ nông nghiệp. Họ sản xuất nông cụ, máy lọc dầu, máy phát điện, phân hóa học, v.v..
Theo thống kê chưa đầy đủ, 284 nhà máy của các trường chuyên nghiệp cao đẳng năm nay đã sản xuất cho Nhà nước hơn 150 triệu đồng nhân dân tệ, đó là không kể những khoản thu nhập để tự cấp, tự túc trong nhà trường.
Các trường tỉnh lập và dân lập:
Có thể nói rằng các trường đại học và trung học thành lập ở các địa phương nhiều như hoa nở mùa xuân!
Chỉ từ tháng tư đến tháng năm năm nay, tròn 17 tỉnh (Giang Tô, Quảng Đông, Cát Lâm, Hồ Nam...) đã xây dựng 130 trường đại học công nghiệp, nông nghiệp, sư phạm, nghệ thuật, y tế, giao thông vận tải, v.v..
Tỉnh Quý Châu, trước kia chỉ có ba trường cao đẳng, nay có 21 trường.
Tỉnh Giang Tô, trước kia có 16 trường cao đẳng, chỉ trong hai ngày đã lập thêm 12 trường. Tỉnh này có hơn 6.500 trường trung học nông nghiệp. Các tỉnh khác cũng theo đà phát triển ấy.
Không những các tỉnh có trường đại học, mà nhiều thành phố và huyện cũng đã có trường đại học. Ví dụ:
Các thành phố tỉnh Phúc Kiến đã có 11 trường đại học dạy sau giờ làm việc. Hơn 3.000 học sinh đều là cán bộ các cơ quan và một số công nhân các xí nghiệp.
Chương trình học gồm có chủ nghĩa Mác - Lênin, văn học, số học, vật lý, hóa học, tiếng nước ngoài, cách quản lý xí nghiệp... Độ hai năm, thì học sinh có đủ trình độ vào trường đại học chuyên khoa.
- Huyện Vĩnh Đăng (tỉnh Cam Túc) mới lập trường đại học công nghiệp.
Họ tổ chức rất đơn sơ, nhưng rất thiết thực. Địa điểm trường thì “ké” của trường trung học. Họ lên lớp ngay ở nhà máy và hầm mỏ.
Học sinh gồm có công nhân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp, anh em bộ đội phục viên và cán bộ các dân tộc thiểu số. Khi lên lớp, họ là học sinh; khi vào xưởng, họ là công nhân.
Thầy dạy là bí thư chi bộ, giám đốc và các công trình sư ở các xí nghiệp.
Trường đại học này cũng vừa làm, vừa học, tự cấp, tự túc.
Trường này có khác với các trường dân lập khác, là khi xây dựng đã tiêu đến gần 500 đồng!
- Trường đại học nông nghiệp của huyện Từ Thủy (tỉnh Hà Bắc) có 170 học sinh. Ngoài khoa lý luận Mác - Lênin, có sáu khoa về nông nghiệp như chất đất, phân hóa, máy móc, trừ sâu, v.v..
Kỳ học là bốn năm. Những học sinh tốt nghiệp sẽ phân phối vào Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp của huyện, hoặc làm giáo viên các trường trung học nông lâm.
Đồng chí bí thư huyện ủy làm hiệu trưởng. Khoa chính trị do cán bộ Đảng phụ trách. Có những anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp làm giáo viên.
Các giáo viên đều không lĩnh lương. Thiết bị do các trường cũ và các hợp tác xã nông nghiệp giúp. Cố nhiên, trường đại học này cũng cần công, kiệm học.
- Không những tỉnh và huyện, mà hương (như liên xã ở Việt Nam ta) cũng có đại học, thế mới giỏi chứ!
Theo sự yêu cầu của nhân dân và theo nguyên tắc “không làm nhà, không tốn tiền”, hương Hòa Bình (gần Bắc Kinh) chỉ chuẩn bị trong hai ngày đã thành lập một trường đại học nông nghiệp.
200 học sinh là những cán bộ hợp tác xã nông nghiệp có kinh nghiệm sản xuất và trình độ văn hóa từ cao đẳng tiểu học trở lên, cũng có một số cán bộ các nơi về tham gia lao động ở nông thôn. Đồng chí phó bí thư Đảng ủy, đã 60 tuổi, cũng theo học trường này.
Hiện nay, mới dạy chính trị và kỹ thuật nông nghiệp, sau này sẽ mở rộng thêm chương trình.
Hiệu trưởng do bí thư Đảng ở hương kiêm. Thầy giáo chính trị là cán bộ Đảng ở địa phương cùng những cán bộ của Viện pháp chính và trường Công an trung ương về sản xuất ở hương này.
Phụ trách khoa nông nghiệp thì có các anh hùng và chiến sĩ nông nghiệp trong hương (họ gọi là “thổ chuyên gia”), và học sinh trường Đại học nông nghiệp trung ương thường công tác ở đây.
Lớp học thì đặt ở trong vườn của trụ sở Hội đồng nhân dân. Khi trời mưa, thì mượn những nhà khai hội ở gần đó. Mỗi tuần học ba buổi tối, nếu trời mưa thì học cả ngày. Lại tùy theo khi mùa màng bận hay là rảnh mà bố trí lớp học một cách linh hoạt.
Nhân dân vùng núi Thiên Vương, ở Vũ Huyện (Hà Nam), đã nhường ra 23 gian nhà ở hang đá, để tổ chức một trường đại học nông nghiệp của họ.
TRẦN LỰC
-----------------
Báo Nhân Dân, số 1614, 1617, ngày 13, 16-8-1958, tr.3.