Tình hình căng thẳng giữa biên giới Trung Quốc và Ấn Độ làm cho thế giới lo âu.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn ở châu Á (chiếm 1/3 tổng số người trên thế giới). Xưa nay, quan hệ giữa hai nước rất tử tế. Hai nước đều là người đề xướng ra năm nguyên tắc chung sống hòa bình và đều là rường cột của tinh thần Hội nghị Băngđung. Trong lịch sử hai nước đều từng bị thực dân phong kiến áp bức, và nhân dân hai nước đã ủng hộ lẫn nhau trong phong trào đấu tranh của độc lập, tự do. Ngày nay hai nước đều ra sức xây dựng hạnh phúc, không lẽ chỉ vì vấn đề biên giới (biên giới có một cái tên "Mắc Mahông" do đế quốc Anh vạch ra nhằm chia rẽ nhân dân Trung - Ấn) mà hai nước bầu bạn lại đánh nhau.

Vấn đề biên giới xảy ra từ năm 1959. Tháng 4-1960, Thủ tướng Chu Ân Lai đã sang gặp Thủ tướng Nêru bàn cách giải quyết, và gần đây Trung Quốc đã ba lần đề nghị giải quyết bằng phương pháp hòa bình.

Nhưng từ trung tuần tháng 10-1962 đến nay, quân đội biên phòng hai nước đã nhiều phen xung đột. Đó là một việc đáng tiếc, nó làm cho kẻ thù chung của bọn đế quốc thì đắc ý, mà bầu bạn của hai nước thì phiền lòng.

Để chấm dứt cuộc xung đột và nối lại tình hữu hảo, hôm 24-10-1962, Trung Quốc lại một lần nữa đề nghị với Ấn Độ:

a) Phải giải quyết vấn đề biên giới bằng cách đàm phán hòa bình. Trong khi chờ đợi, bộ đội biên phòng hai bên đều rút lui về sau giới tuyến 20 cây số để tránh va chạm.

b) Kinh qua sự hiệp thương giữa hai chính phủ, bộ đội Trung Quốc ở đoạn Đông biên giới sẽ rút về phía Bắc giới tuyến. Ở đoạn giữa và đoạn Tây giới tuyến hai bên đều bảo đảm không vượt qua giới tuyến. Hai chính phủ sẽ phái đại biểu bàn về việc đình chỉ xung đột.

c) Để giải quyết vấn đề biên giới một cách hữu hảo, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ sẽ gặp nhau một lần nữa để thương lượng. Chính phủ Trung Quốc hoan nghênh Thủ tướng Ấn Độ đến Bắc Kinh. Nếu như vậy không tiện cho Ấn Độ thì Thủ tướng Trung Quốc sẵn sàng đến N.Đêli để bàn bạc.

Đó là một đề nghị cực kỳ hợp tình hợp lý để giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình.

Dư luận Liên Xô rất tán thành đề nghị đó. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới - nhất là nhân dân Việt Nam, anh em của nhân dân Trung Quốc và bạn thân của nhân dân Ấn Độ - rất mong Ấn Độ chấp nhận đề nghị đó:

Đã hợp lý lại hợp tình

Cùng nhau gìn giữ hòa bình Á châu.

T.L.

----------------------------------------

Báo Nhân Dân, số 3140, ngày 30-10-1962, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.